Làm gì khi xử lý tôm mềm vỏ sau mưa nhiều?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Những ngày qua mưa xuất hiện nhiều, tôm trong ao hoạt động yếu, kém linh hoạt, bắt tôm lên quan sát một số con thấy vỏ mềm, mỏng, nhăn nheo. Nhiều phụ bộ của tôm bị mòn và đứt. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

(Lý Hải Nam, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)

Trả lời:

Theo mô tả, có thể tôm đã gặp trình trạng lột vỏ không cứng. Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng trên, tuy nhiên, trường hợp này có thể là do tôm gặp mưa trong quá trình lột vỏ. Bởi môi trường nuôi dễ bị thay đổi khi mưa lớn hay mưa kéo dài, lượng nước mưa lớn, dẫn đến các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, pH… tảo tàn đột ngột, sụp tảo… Chính sự thay đổi đột ngột của các yếu tố môi trường này sẽ kích thích tôm lột xác đồng loạt và nước mưa làm nồng độ các khoáng chất trong nước giảm đột ngột khiến việc tái tạo vỏ càng khó khăn hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm.

Có nhiều dấu hiệu để nhận biết việc tôm lột vỏ không cứng như: vỏ tôm mềm, mỏng, kèm theo đó là màu sẫm, nhăn nheo và gồ ghề. Nhiều phụ bộ của tôm bị mòn và đứt. Tôm hoạt động yếu và có thể bắt gặp tình trạng chết rải rác trong ao…

Khi phát hiện tôm lột vỏ không cứng, cần thực hiện các giải pháp sau:

       – Đo độ kiềm trong ao nuôi tôm, nếu độ kiềm trong ao < 120 mg CaCO3/L thì cần tạt vôi và Dolomite để tăng kiềm.

       – Bổ sung khoáng canxi và phốt pho cho tôm, bao gồm cả tạt và trộn vào thức ăn.

       – Sử dụng men vi sinh đường ruột bổ sung vào thức ăn khi cho tôm ăn để tôm hấp thu tối đa dưỡng chất.

       – Đồng thời, bổ sung vi sinh xử lý nước để loại bỏ các chất ô nhiễm cũng như mầm bệnh có thể gây hại cho tôm. Cùng đó, kiểm tra khí độc và đánh vi sinh xử lý khí độc để khử và phòng ngừa khí độc xuất hiện trong ao, tránh cho tôm rớt cục thịt.

       – Xi phông đáy ao để loại bỏ bùn bã ở dưới đáy và các chất ô nhiễm tầng đáy.

Vào mùa mưa, do mưa kéo dài nhiều ngày nên kiềm và pH thường xuyên bị kéo tụt, chính là điều kiện kích thích tôm lột xác mà không cứng vỏ được. Do đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra để bảo đảm độ kiềm từ 120 – 150 ppm, lưu ý rằng trong mùa mưa hiện tượng độ kiềm tụt đột ngột là rất phổ biến, vì vậy, cần nâng độ kiềm cao hơn mức bình thường đề phòng độ kiềm bị giảm sâu. Sử dụng các loại vôi để nâng cao hệ đệm CO32-.  Đồng thời sử dụng sản phẩm khoáng giúp nâng kiềm và cứng vỏ tôm.

Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, cần cung cấp đủ dinh dưỡng cho tôm, đặc biệt là trong thời gian tôm lột xác để giúp tôm nhanh hình thành lớp vỏ mới và cứng vỏ nhanh hơn.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!