Làm giàu từ cá bống mú

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở tỉnh Bạc Liêu đã áp dụng mô hình nuôi cá bống mú trong ao, đặc biệt là tận dụng ao nuôi tôm sú kém hiệu quả, cá nuôi dễ thích nghi, phát triển tốt, đem lại lợi nhuận cao.

Người đi đầu thực hiện mô hình này là Long Văn Nghĩa (ấp 15, xã Vĩnh Hậu A). Năm 2004, sau lần đầu thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá bống mú thương phẩm trong ao, đến nay ông Nghĩa đã mở rộng quy mô diện tích lên đến 6 ha mặt nước, được chia thành 14 ao nuôi (trung bình 2.000 – 4.000 m2/ao). Ông Nghĩa luân phiên thả cá giống 1.000 – 1.500 con/ao.

Theo ông Nghĩa, cá giống phải được khai thác trong thiên nhiên, vùng ven biển với kích cỡ 5 – 10cm; nuôi thuần dưỡng trong ao, dèo nhỏ khoảng 15 – 20 ngày, sau đó mới thả ra ao nuôi lớn. Nuôi cá bống mú không khó, quan trọng nhất là đảm bảo nguồn nước mặn. Người nuôi cần định kỳ thay nước thường xuyên để có nguồn nước sạch giúp cá lớn nhanh; đồng thời, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, gây nhiễm bệnh cho cá. Thức ăn cho cá bống mú là cá tạp và tôm, cua nhỏ. Từ khi thả nuôi đến xuất bán 10 – 12 tháng, sản lượng mỗi ao 1 – 1,5 tấn cá thương phẩm, trọng lượng trung bình 0,8 – 1 kg/con.

Ông Nghĩa cho biết thêm, cá bống mú thương phẩm hiện được tiêu thụ rất mạnh, nhất là tại nội địa (do còn khan hiếm). Có nhiều thương lái mua xuất sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Họ đến tận ao thu mua cá với giá 200.000 – 250.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi thu lợi nhuận khá sau khi trừ chi phí. Với 14 ao nuôi thương phẩm, mỗi năm ông Nghĩa thu lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Thu hoạch cá bống mú tại phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu

Cá bống mú dễ nuôi và mang lại giá trị kinh tế cao nên hiện nhiều hộ dân ở phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) áp dụng, nhân rộng đến hàng chục héc ta. Có nhiều hộ nuôi tôm thất bát triền miên, nay chuyển dần sang nuôi cá bống mú theo hình thức thả thưa, cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/vụ. Điển hình như hộ bà Nguyễn Kim Định (xã Hiệp Thành), với 1 ha nuôi tôm kém hiệu quả, bà Định cải tạo, chia thành 2 ao nuôi, thả khoảng 1.500 con cá giống/ao. Sau hơn 10 tháng, lợi nhuận thu được khoảng 100 triệu đồng. Tương tự, hộ ông Lê Văn Lợi (phường Nhà Mát) có gần 1,5 ha đất bỏ trống do nuôi tôm kém hiệu quả, ông cải tạo thành 4 ao rồi thả khoảng 4.000 con cá bống mú giống, mỗi vụ cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Ông ước tính: Giá cá giống khai thác trong thiên nhiên 2.000 – 3.000 đồng/con, tiền thức ăn chiếm khoảng 45% tổng chi phí đầu tư; trong khi giá cá thương phẩm 250.000 đồng/kg, sau mỗi vụ, người nuôi cầm chắc lợi nhuận trên 50%. Hơn nữa, nuôi cá bống mú ít rủi ro, công chăm sóc ít, thị trường tiêu thụ ổn định.

>> Cá bống mú là loài hải sản có giá trị kinh tế cao, có thể xuất khẩu. Cá thích nghi với môi trường nước mặn, thường sống ở vùng biển, cửa sông ven biển… Nuôi cá bống mú trong ao đã được người dân xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình), phường Nhà Mát và xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) thực hiện, bước đầu hiệu quả khả quan.

Bài, ảnh: Phan Thanh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!