Làm giàu từ nuôi ghép thác lác cườm với sặc rằn

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, mô hình nuôi ghép cá thác lác cườm với cá sặc rằn đã mang lại thu nhập cao cho người nuôi tại Cần Thơ; nhiều hộ đã đổi đời từ mô hình này.

Hiệu quả cao

Anh Phan Hữu Trí (ấp Đông Mỹ, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ), một trong những nông dân tiên phong ở địa phương đưa ra mô hình nuôi ghép cá thác lác cườm với cá sặc rằn, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng/1,5 công.

Anh Trí nuôi 4 năm nay đều thắng lớn. Diện tích 1,5 công năm nay thả nuôi cùng lúc 10.000 con thác lác cườm và 300 kg cá sặc rằn (500 con/kg). Nuôi sặc rằn và thác lác chung nhau có nhiều cái lợi. Thả cá giống cùng thời điểm, hai loài này không ăn lẫn nhau, thu hoạch thời gian bằng nhau (8 tháng nuôi), ăn cùng loại mồi là cá xay nhuyễn hoặc cộng với tấm cám. Vụ nuôi nào cũng cho thu hoạch 7 tấn thác lác và 3,5 tấn sặc rằn. Anh khẳng định mô hình này nuôi đạt 98%, tỷ lệ hao hụt thấp.

Cá sặc rằn anh Trí nuôi 8 tháng, đạt 6 con/kg

Gia đình anh Trí chuyên nghề nông, có khoảng 2 công đất phía sau nhà trồng cây ăn trái không “xong”, làm lúa thì thất bát do đất rò, cỏ mọc nhiều. Năm 2008, anh về huyện Long Mỹ (Hậu Giang) tham quan mô hình nuôi cá thác lác cườm, thấy hiệu quả. Sau đó, anh thuê người cho cải tạo 1,5 công đất ruộng, chia thành 3 ao nuôi. Lúc đầu thả nuôi cá thác lác số lượng 5.000 con; không bao lâu, anh thu hoạch lứa đầu 2,5 tấn, lãi gần 100 triệu đồng. Anh tiếp tục thả lứa thứ hai, với 7.000 con. Qua tìm hiểu, anh biết thác lác và sặc rằn có thể nuôi cùng nhau; thác lác sống tầng giữa và tầng trên, khi ăn, thức ăn thừa rơi xuống tầng đáy, cá sặc rằn có thể “nhặt” hết. Nuôi như vậy giảm phí thức ăn, cá phát triển đồng đều. Sau 8 tháng nuôi, anh thu trên 450 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. 

 

Nuôi không khó

Anh Trí chia sẻ kỹ thuật nuôi: Ao nuôi tốt nhất sâu 2,5m, mực nước thả nuôi lý tưởng 1,5 – 1,7m, diệt hết cá tạp trong ao, sau đó đưa nước sạch vào. Cá giống mang về tốt nhất thả vào vèo lưới để sẵn trong ao, khoảng vài giờ chọn những loại cá khỏe bằng kích cỡ thả ra môi trường ao trước, còn cá yếu và kích thước nhỏ giữ lại nuôi tiếp trong vèo, khi nào cá đủ khỏe và phát triển mới bắt thả ra ao. Khi mua giống, cần chọn những đàn cá nào bóng, khỏe đang lội trong bể, cá con ăn khỏe.

Để tránh hao hụt cá nuôi, cần phải kiểm soát chặt chất lượng cá giống; như vậy giúp giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi mà cá sống khỏe, cho năng suất cao. Bình quân diện tích 1,5 công của anh Trí thả cá vào tháng 4, đến tháng Giêng hoặc Tết bắt bán sẽ có giá cao; nếu thả nuôi trễ hoặc sớm hơn, khi bán có thể trùng các loài cá khác, sẽ không được giá. Thác lác nuôi 8 tháng đạt trọng lượng 2 con/kg, sặc rằn 6 con/kg. Nuôi cá này không sợ đầu ra, mà khỏe ở khâu chăm sóc; một ngày cho ăn 2 buổi, sáng và chiều; thức ăn chủ yếu là cá sống tươi xay nhuyễn, giúp cá mau lớn nhờ có nhiều đạm. Anh Trí không cho ăn thức ăn công nghiệp. Ao nuôi một tháng mới thay nước một lần, vì hai loại cá ăn hết thức ăn, không để thừa làm bẩn môi trường nước.

>> Anh Trí còn nhân giống thành công cá sặc rằn với số lượng 20 cặp cá bố mẹ sẵn có. Vì thế, vào vụ nuôi không cần mua giống cá sặc rằn mà có giống “của nhà nuôi được”. Xung quanh ao, anh trồng dừa xiêm lùn, trái rất sai, vừa cho thu nhập thêm vừa tạo bóng mát cho cá và giảm ánh sáng vào ao.

Bảo Yến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!