(TSVN) – Hỏi: Làm sao để tính hiệu quả kinh tế sau một vụ nuôi cá?
(Phạm Thị Huệ, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình)
Trả lời:
Trong sản xuất thủy sản nói chung và nuôi cá nói riêng đều phải tính đến hiệu quả kinh tế cho vụ nuôi sau khi thu hoạch nhằm phân tích, rút kinh nghiệm cho những vụ nuôi tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn. Muốn tính hiệu quả kinh tế thì phải tính được tổng chi phí trong quá trình nuôi và tổng doanh thu thu được sau khi thu hoạch: Hiệu quả = Tổng thu – Tổng chi. Phần chi gồm: Tiền làm lồng, làm ao (trừ dần vào tiền khấu hao tài sản sau mỗi vụ nuôi); Tiền mua cá giống; Tiền mua các loại thức ăn; Tiền điện, nhiên liệu đi lại, vận chuyển thức ăn, vật tư, cá từ bờ ra lồng và ngược lại; Tiền công chăm sóc, quản lý; Tiền thuốc, hóa chất phòng, trị bệnh; Tiền công thu hoạch và các chi phí khác (nếu có). Phần thu: Tổng sản lượng cá thu hoạch nhân với giá bán tại từng thời điểm
Hỏi: Xin được tư vấn hướng dẫn cách ủ men vi sinh nuôi tôm đúng cách hiệu quả?
(Lê Văn Huy, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Tùy vào từng loại men vi sinh mà cách ủ được thực hiện khác nhau, nhưng về cơ bản chúng được thực hiện thông qua các bước sau đây: Bước 1: Hòa loãng men vi sinh bằng nước sạch trong thùng chứa (chú ý nên tạo môi trường hóa lý của nước ủ tương đối cân bằng với nước nuôi); Bước 2: Sục khí (đối với dòng men hiếu khí) hoặc ủ đậy kín (đối với dòng men yếm khí/kỵ khí) trong vài giờ đến vài ngày (tùy loại men), cho đến khi hỗn hợp có mùi chua hoặc pH giảm, thì có thể sử dụng trực tiếp. Lưu ý: Liều lượng sử dụng theo yêu cầu của nhà sản xuất. Nhiều loại vi sinh được ủ kèm với gói dinh dưỡng, mật đường và một số chất khác. Khi môi trường ao nuôi có hàm lượng khí độc tăng cao, nước có nhiều cặn bã, nước phát sáng thì nên tăng liều lượng sử dụng men vi sinh lên gấp đôi.Tuyệt đối không được sử dụng men vi sinh cùng với những loại hóa chất có tính diệt khuẩn như thuốc tím, kháng sinh, Chlorine,…Trước khi sử dụng men vi sinh cần kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi về mức ổn định. Hầu hết các loại men vi sinh được khuyến cáo sử dụng vào lúc trời mát. Chỉ nên mua các sản phẩm có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng.
Hỏi: Cách tạo ôxy bằng máy quạt nước đúng kỹ thuật và tiết kiệm được chi phí?
(Vũ Tùng Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa)
Trả lời:
Máy quạt nước tạo ôxy không còn quá xa lạ với người nuôi tôm. Đây là thiết bị quan trọng không thể thiếu trong cả ao bạt lẫn ao đất. Dàn máy quạt nước bao gồm một trục chính được nối với mô tơ điện, trên trục cơ lắp khảng 10 – 15 cánh quạt (tùy vào diện tích vuông tôm mà bố trí cánh quạt cho hợp lý). Cánh quạt thường được làm bằng nhựa hoặc cánh lông nhím. Khi vận hành, máy quạt nước tạo ôxy sẽ tạo ra nhiều bọt nước làm tăng hàm lượng ôxy trong ao. Quạt cánh nhựa có giá rẻ và được sử dụng rộng rãi trong các ao nuôi thâm canh, bán thâm canh. Ngoài việc tạo ra ôxy, thiết bị còn có tác dụng gom chất thải dư thừa vào hố xi phông. Đồng thời, giúp phân bố đều các chế phẩm sinh học trong ao tôm. Tuy nhiên, cánh quạt nhựa không đưa được nhiều lượng ôxy xuống đáy ao. Quạt cánh lông nhím có mức giá đắt hơn và có khả năng tạo dòng chảy gấp 2 lần so với quạt cánh nhựa. Quạt lông nhím có thể đưa được ôxy hòa tan xuống tầng đấy cung cấp cho tôm và phân hủy mùn bã hữu cơ cho ao nuôi. Tuy nhiên, cánh quạt lông nhím chỉ phù hợp cho ao nuôi đáy cát, đáy lót bạt.
Ban KHKT