(TSVN) – Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu u (EC) lần thứ 4 chiều ngày 7/10/2023.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Các cấp, ngành, địa phương liên quan cũng đã rất quyết liệt trong việc hợp tác và triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Kể từ ngày 23/10/2017, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, tính đến nay, Việt Nam đã có nhiều rất nhiều nỗ lực và chuyển biến tích cực; việc quan tâm tháo gỡ thẻ vàng, chống khai thác IUU đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ Trung ương đến địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống IUU chiều ngày 7/10/2023. Ảnh: VGP
Chia sẻ tại Hội nghị, các địa phương như tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Hội Nghề cá Việt Nam… báo cáo công tác tổ chức thực hiện việc xử lý các vụ vi phạm của các tàu cá, việc thực thi pháp luật, xử phạt về các tàu vi phạm về IUU; các tàu vi phạm trong khai thác đánh bắt ngoài vùng biển của Việt Nam; tàu ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu. Cần có chế tài cụ thể trong xử lý các vi phạm trong khai thác, đánh bắt đối với ngư dân, ngư trường, tàn phá môi trường…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ST
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, những chỉ đạo của Thủ tướng có ý nghĩa lớn, mang tầm chiến lược dài hạn. Chúng ta không chỉ chống khai thác trái phép ở nước ngoài mà cả trong nước, phải có cách tiếp cận đồng bộ “ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường”, vì một nghề cá phát triển bền vững và có trách nhiệm.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần giải quyết trong thời gian tới; vẫn còn nhiều nhiệm vụ chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kết quả chưa đạt được như mong muốn và còn nhiều việc phải làm như vẫn có tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; việc xử phạt các hành vi vi phạm có nơi, có lúc còn chưa thực sự nghiêm túc…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc giải quyết dứt điểm khuyến cáo của các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có EC; Không để phát sinh vấn đề phức tạp mới trong quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản. Cùng đó, chấm dứt đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. “Chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân chúng ta, chứ không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC”, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.
Lãnh đạo các địa phương ven biển báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Cùng đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định, trong đó có quy định về xử lý vi phạm; đồng thời nhấn mạnh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân. Theo đó, các cấp, các ngành và các cơ quan thông tin, truyền thông cần tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU đến cấp xã, phường, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động về quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống khai thác IUU.
Các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở cần tăng thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền trong và ngoài nước về những nỗ lực, kết quả triển khai chống khai thác IUU của Việt Nam; đẩy mạnh thông tin, các trường hợp, kết quả điển hình, tiêu biểu và phê phán các trường hợp cố tình vi phạm.
Bộ NN&PTNT tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC một cách công tâm, khách quan, trách nhiệm, đảm bảo đạt kết quả tốt nhất, hướng tới sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Trong quá trình Đoàn Thanh tra của EC công tác tại Việt Nam, cần chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đầy đủ, khách quan, trung thực, tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho Đoàn Thanh tra hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản Việt Nam (trong một nước trải qua nhiều năm chiến tranh, còn nhiều khó khăn, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, việc chuyển đổi sinh kế, nghề nghiệp của người dân cần có thời gian và độ trễ), cũng như quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU.
>> Sau 3 đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC), kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam đã có sự chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn một số khuyến nghị chưa hoàn thành. Dự kiến, trong tháng 10/2023, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tạo điều kiện, phục vụ tốt Đoàn Thanh tra của EC. “Các địa phương phải hợp tác, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, không đối phó để có kết quả tốt nhất trong đợt thanh tra của EC”, Thủ tướng nhắc nhở. |
Thông cáo báo chí Thủ tướng chủ trì Hội nghị về các giải pháp chống khai thác IUU. TẢI VỀ
Vân Anh – Bảo Hân