Làn gió mới từ nuôi cá kết hợp phát triển du lịch sinh thái

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian gần đây, bên cạnh việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả thì phương thức sản xuất kết hợp với phát triển du lịch sinh thái đang được nhiều tỉnh/thành triển khai có hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân các địa phương.

Hồ Na Hang thuộc địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang; nơi đây có cảnh quan sơn thủy hữu tình, lưu giữ vẻ hoang sơ tự nhiên và được ví như “nàng tiên xanh giữa đại ngàn”. Hồ có tổng diện tích mặt nước 8.000 ha, mặt hồ như một tấm gương lớn phản chiếu cảnh đẹp kỳ vĩ. Khi đến với hồ Na Hang, du khách được tham gia chèo thuyền kayak thưởng ngoạn cảnh đẹp trên lòng hồ thủy điện, mỗi thuyền hai người. Tiếp đó, du khách được tham quan mô hình nuôi cá lồng bè tại đây. Vì nước hồ trong xanh tự nhiên nên cá lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, thịt cá chắc và ngọt. Các hộ nuôi cá đã tận dụng tối đa những lợi thế ở hồ Na Hang để nuôi các loại cá da trơn đặc sản như: Cá lăng, cá chiên, cá ngạnh, cá bỗng…, kết hợp nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống như: Trắm, chép, rô phi, điêu hồng… Những năm gần đây, sản phẩm cá lồng của người dân địa phương được đưa vào phục vụ phát triển du lịch sinh thái và tham gia Chương trình OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

Nuôi cá kết hợp phát triển du lịch ở hồ Na Hang. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Tại tỉnh Quảng Ngãi, công trình hồ chứa nước Nước Trong (huyện Sơn Hà) là một dự án lớn, đa mục tiêu, công trình xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành từ năm 2016, góp phần quan trọng trong việc bổ sung, cấp nước tưới ổn định cho hệ thống thủy lợi Thạch Nham; kết hợp phát điện và điều tiết, cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Trà Khúc. Hồ có diện tích lưu vực khoảng 46 km2, dung tích 289 triệu m3, diện tích mặt hồ trên 1.100 ha. Hàng năm, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đều thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản nên hiện tại thủy sản trong hồ tương đối phong phú và đa dạng, lượng cá người dân khai thác, hưởng lợi từ hồ khá lớn.

Theo ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, địa phương có 124 hồ chứa thủy lợi được phân bố trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã, thành phố. Các hồ chứa nước có độ sâu hơn 10 m và diện tích lưu vực khá lớn, phù hợp với phát triển nuôi thủy sản. Ngoài mục đích sử dụng cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, các hồ chứa nước còn nuôi thủy sản nước ngọt để phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết hợp nuôi cá phát triển các loại hình câu cá giải trí, phát triển du lịch sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho cư dân địa phương.

Để giúp người dân sinh sống xung quanh hồ chứa nước Nước Trong nắm bắt kỹ thuật và phát triển nghề nuôi cá lồng bè trong lòng hồ, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai mô hình “Nuôi cá lăng nha thương phẩm trong lồng trên các lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện” với quy mô 400 m3, thả 8.000 con cá lăng nha giống (mật độ thả 20 con/m3) và 2 hộ dân tham gia. Sau 8 tháng thực hiện mô hình, cá đạt trọng lượng bình quân 600 g/con, tỷ lệ sống đạt 80%. Tổng sản lượng cá thu được hơn 3,8 tấn, với giá bán 140.000 đồng/kg, tổng thu từ mô hình đạt gần 540 triệu đồng, trừ các khoản chi phí mô hình cho lãi trên 200 triệu đồng.

Năm 2023, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè trên sông, lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh (sau khi dự toán kinh phí được phê duyệt). Trên cơ sở đó, Chi cục Thủy sản tỉnh hỗ trợ HTX 4 lồng nuôi (tương đương 400 m3 lồng) để triển khai nuôi cá thát lát và cá lăng trong lòng hồ nước ngọt Nước Trong. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức khảo sát, chọn địa điểm, đối tượng tham gia mô hình nuôi cá nước ngọt trong lòng hồ tại 6 huyện, thị xã trong tỉnh.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái miệt vườn cũng đang là mục tiêu hướng tới để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hậu đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch gắn với thiên nhiên, về vùng thôn dã cũng nhiều hơn. Đây là một lợi thế để Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác nông thôn, nông nghiệp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa chiến lược du lịch xanh, bền vững.

Thời gian qua, một số mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch tại địa phương đã hình thành trên cơ sở đầu tư quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo đảm chất lượng rồi liên kết tạo thành tour du lịch trải nghiệm khép kín. Những mô hình trên không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập ngay trên mảnh đất của mình mà còn góp phần tạo làn gió mới về sản phẩm hấp dẫn du khách trong hành trình tham quan du lịch.

HTX Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) là một điển hình. Tận dụng vị thế đất thấp trũng có sẵn suối hồ tự nhiên, HTX này cải tạo thành ao hồ nuôi cá chình, cá lóc rồi làm thêm nhà chòi, hồ bơi, trồng hoa cảnh, dừa và mô hình trang trí đẹp mắt. Từ năm 2019, HTX bắt đầu mở cửa đón người dân địa phương đến câu cá, vui chơi, giải trí, ăn uống cuối tuần. Đại diện HTX cho biết, các món cá chình, cá lóc của HTX tiêu thụ tại chỗ với giá cả phải chăng và chế biến ngon miệng đã thu hút nhiều người đến ăn, góp phần mang lại không khí nhộn nhịp, vui tươi ở vùng quê này.

Xuân Lan – Như Đồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!