Dòng Trà Giang đã ban tặng cho người dân Quảng Ngãi món ăn “độc quyền” vừa dân dã, vừa đậm đà khó quên. “Don Quảng Ngãi”, du khách bốn phương có dịp ghé thăm vùng quê ở khúc ruột miền Trung ai cũng mong được một lần thưởng thức món đặc sản này. Để phục vụ nhu cầu của thực khách có làng quê chuyên sống bằng nghề cào don, đó là thôn Cổ Lũy – Vĩnh Thọ Bắc, xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa).
“Ăn sông ngủ nước” cùng don
Thôn Cổ Lũy-Vĩnh Thọ Bắc những ngày cuối tháng 7, chẳng thấy bóng dáng đàn ông đâu cả, trong xóm chỉ có phụ nữ, người già và đám trẻ con. Chúng tôi hỏi thăm ông lão tên Võ Bùi về những người đàn ông trong xóm. Ông lão chỉ tay hướng về phía con đường nhỏ dẫn ra mép sông Trà Khúc, rồi bảo: “Ra đó hỏi, tụi nó ở hết ngoài sông ấy. Không bám lấy dòng sông Trà thì lấy gì nuôi con”.
Những người cào don phải ngâm mình dưới dòng nước hơn 8 giờ mỗi ngày.
Giữa dòng sông mênh mông, nước đục ngầu do trận mưa đêm qua là hình ảnh những “thân cò” đang hì hục cào don. Chúng tôi thuê chiếc ghe máy hướng ra giữa sông để nghe bà con kể chuyện “săn” đặc sản. Dụng cụ của một “thợ săn” don gồm một cái nhũi, hai chiếc rổ, một ghe máy và một bao tải nhỏ. Họ thức dậy trước 5h sáng, chuẩn bị cơm nước mang theo và ra sông khi bình minh ló dạng. Toàn xã Nghĩa Phú có khoảng 500 hộ dân sống nhờ vào dòng sông Trà Khúc, trong đó có gần 100 hộ dân sống bằng nghề cào don. Trải qua gần nửa thế kỷ “ăn sông ngủ nước” cùng don, ông Võ Tấn (59 tuổi, thôn Cổ Lũy-Vĩnh Thọ Bắc) cho biết, ở xứ ven sông này trẻ con lớn lên nhờ con don. “Khi còn rất nhỏ tôi đã theo cha đi cào don. Hết lớp đến lớp, dòng sông Trà như bầu sữa mẹ nuôi sống biết bao thế hệ người dân mưu sinh bằng nghề sông nước”, ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, để học được nghề cào don người nhanh thì từ 5 ngày đến một tuần, người chậm có khi đến 2 tháng. Cũng có người bỏ nghề vì cào don đòi hỏi tính cần cù, kiên nhẫn. Ông Tấn cười khà bảo: “Nhìn thì đơn giản vậy đó, chứ để bắt được con don gian nan lắm. Ban đầu tôi theo cha đi chơi, riết rồi thấy ghiền cái nghề ngâm mình dưới nước này. Mất cả năm trời “học việc” tôi mới biết cào don đấy”. Đang hì hục cào don cách đó không xa, biết chúng tôi đang tìm hiểu nghề cào don, lão Lê Non nói với lên: “Vất vả lắm mấy chú ơi. Lúc đi trời mờ sáng, lúc về trời mờ tối”.
Quyết tâm giữ nghề
Cào don rất nhọc nên chỉ có những người đàn ông sức khỏe tốt mới chọn nghề này. Thu nhập tuy cao nhưng gặp không ít rủi ro. Nhiều người khi đang hành nghề giẫm phải mẻ chai, có khi bị chuột rút chân, sụp xuống vùng nước xoáy… Xòe đôi bàn tay chai sần, đầy vết sẹo, ông Cao Xí cho biết đó là “kỷ niệm” của những lần đụng phải mẻ chai. Có không ít người suýt bỏ mạng.
Lão nông Võ Tấn gần 50 năm mưu sinh bằng nghề cào don.
Đơn cử như trường hợp của ông Lê Tám. Khi đang hì hục cào don, ông Lê Tám bất ngờ chân bị chuột rút, thế là trôi theo dòng nước. May là người dân kịp thời phát hiện. Sự việc xảy ra đã lâu nhưng trong tâm trí của người đàn ông ở tuổi xế chiều ấy vẫn là nỗi ám ảnh. “May nhờ anh em cào don gần đó cứu sống chứ không thì mấy đứa con tôi giờ đã mồ côi cha”, ông Tám nói.
Hiểm họa luôn rình rập đối với những người sống bằng nghề cào don. Bà con cho biết, cách đây gần hai năm con nước sông Trà đã cướp đi sinh mạng của ông Phan Biết khi đang cào don, bỏ lại vợ và ba đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi học. Dẫu hiểm nguy nhưng người dân ở ven sông Trà Khúc quyết giữ nghề cha ông để lại. Để có được tô don thơm lừng phục vụ thực khách, những người cào don ngày qua ngày dầm mình trong dòng nước lạnh. Đối với họ, nỗi lo lớn nhất hiện nay là con don ngày một ít dần. “Món don đã trở thành đặc sản quê mình. Cầu mong cho môi trường sông nước trong lành để con don sinh sôi nảy nở, để giữ tiếng thơm món don xứ Quảng bao đời”, cụ ông Võ Tấn bộc bạch.