T2, 06/07/2020 10:15

Làng mực điêu đứng

Chưa có đánh giá về bài viết

Cù lao Bình Chánh, huyện Bình Sơn – Quảng Ngãi là làng câu mực xà quy mô với hàng trăm chiếc tàu ngày đêm vươn khơi bám biển. Thế nhưng gần đây, nhiều chiếc tàu phải nằm bờ

Những ngày này, về cù lao Bình Chánh, chúng tôi chỉ thấy không khí ảm đạm bao trùm. Dõi mắt nhìn xa xăm về phía đội tàu câu mực lặng lẽ nằm trên bến sông Trà Bồng, lão ngư Trần Quới buồn bã: “Nhiều tháng nay, tàu nằm bờ nhiều hơn ra khơi. Giá xăng dầu, tiền công thuê người, tổn phí…, thứ nào cũng tăng chóng mặt nhưng mực lại rớt giá thê thảm nên chẳng ngư dân nào muốn ra khơi cả vì nắm chắc 90% là lỗ vốn”.

Khóc ròng với thương lái Trung Quốc

Ông Quới cho biết hiện nay mực đánh bắt phơi khô trên biển mang vào bờ được thương lái thu mua theo 3 loại: Mực đẹp, vừa và tạp nham. “Trước đây đâu có kiểu mua bán thế này. Tàu vừa về bến, thương lái đã nhào đến tranh nhau mua tất tần tật. Thế mà bây giờ, tàu chở cả chục tấn mực về nằm bến hàng tuần mà chẳng có ai hỏi han, nếu muốn bán thì thương lái ép giá dữ lắm” – ông Quới rầu rĩ.

Theo ông Quới, trước đây, dù ra khơi trên những chiếc tàu công suất nhỏ, phải mất vài tuần mới đến được nơi câu mực nhưng chuyến nào cũng có lãi, ngư dân khấm khá, còn giờ đi biển là “nợ nần đuổi theo sau”. “Hai con trai của tôi cũng có tàu câu mực nhưng 2 tháng nay phải để nằm bến. Mực rớt giá thế này thì ngư dân đói dài dài” – ông ngao ngán.

Ngư dân Bình Chánh tháo bỏ giàn phơi mực, cải tạo tàu để ra khơi giã cào

Hiện giá mực khô chỉ dao động ở mức 60.000 – 70.000 đồng/kg. “Tháng này năm ngoái, giá mực có lúc xấp xỉ 200.000 đồng/kg. Chúng tôi cứ hy vọng, chờ đợi nhưng chẳng thấy giá mực có dấu hiệu gì tăng trở lại” – chủ tàu Trần Văn Dân tâm sự.

Bình Chánh từng được xem một trong những vựa mực lớn của cả nước. Theo thống kê, toàn xã có gần 100 tàu câu mực công suất lớn, chưa kể hàng trăm chiếc công suất nhỏ, trung bình mỗi năm đánh bắt khoảng 40.000 tấn. “Nghề câu mực đã mang lại cuộc sống đầy đủ cho hàng trăm ngư dân, kinh tế địa phương cũng thay đổi mạnh. Trước tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi đã vận động bà con tiếp tục ra khơi nhưng khó lắm” – ông Nguyễn Thành Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, thừa nhận.

Theo ông Tấn, mực do ngư dân Bình Chánh đánh bắt được lệ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc. Một khi thương lái nước này không “ăn” hàng, giá mực lập tức rớt thảm hại và ngư dân chỉ biết khóc ròng.

Khắp Bình Chánh, đâu đâu chúng tôi cũng thấy mực khô chất đầy nhà ngư dân. “Nếu giờ tôi bán 10 tấn mực trong nhà với giá 60.000 đồng/kg thì coi như chuyến ra khơi vừa rồi lỗ gần 50 triệu đồng, đành để đó chờ thời” – chủ tàu Nguyễn Tấn Lợi cho biết. Kế bên, nhà ngư dân Huỳnh Tấn Trung cũng ngồn ngộn mực khô. “Giờ tôi chẳng biết xoay xở ra sao với nợ nần. Chỉ mong giá nhích lên 80.000 đồng là tôi bán 15 tấn mực này ngay. Sắp tới, ngân hàng mà đòi nợ rát quá, chắc tôi chỉ còn cách gán tàu cho họ” – anh chán ngán.

Nhiều đầu nậu ở Bình Chánh chuyên thu gom mực cho thương lái Trung Quốc cũng than trời vì đã mua quá nhiều với giá cao nhưng giờ chẳng biết bán đi đâu. “Cuối năm 2011, giá mực nhích lên cao, thương lái Trung Quốc hối thúc, tôi vay mượn tiền mua hàng xuất đi. Ai ngờ gom gần 100 tấn thì mực rớt giá, thương lái cũng bặt tăm” – đầu nậu H.Q lo lắng.

Cắn răng “xẻ thịt” tàu

Trên bến sông Trà Bồng, từng nhóm đàn ông đang đục gõ những chiếc tàu. “Họ đang “xẻ thịt” tàu câu mực đó” – một ngư dân giải thích. Lẽ ra, với hàng chục ngư dân cùng làm việc, kẻ nói người cười ắt phải rôm rả nhưng chúng tôi chỉ nghe tiếng búa, tiếng cưa…

Đưa chúng tôi ra con tàu câu mực QNg – 95069TS đang bị “mổ” giàn phơi, chủ tàu Lê Hồng Sơn não nề: “Tôi “xẻ tàu” để tiếp tục ra khơi nhưng chẳng vui vẻ gì đâu. Con tàu như là ngôi nhà của mình vậy, tài sản, niềm tin và hy vọng đều đặt hết vào đấy. Giờ câu mực bết bát thế này, ngư dân đành chuyển sang nghề giã cào, phải bỏ giàn phơi, “độ” lại khoang và thân tàu, chẳng khác nào làm lại từ đầu”.

Lên trên tàu, anh Sơn cầm xà beng nạy từng mảnh ván mà khuôn mặt buồn xo. Con tàu công suất 410CV trị giá hơn 1 tỉ đồng được gia đình anh Sơn tích cóp mua sau nhiều năm làm thuê trên tàu. Chị Nguyễn Thị Hồng Lắm, vợ anh Sơn, mếu máo: “Tiền nợ chúng tôi vừa trả xong năm trước, mừng chưa được bao lâu thì giờ phải làm lại. Muốn sửa lại tàu để đi giã cào phải bỏ thêm hơn 400 triệu đồng, toàn là tiền vay mượn”.

Kế tàu anh Sơn, tàu QNg – 95339TS công suất 449CV của anh Châu Minh Sơn cũng đang bị “xẻ thịt”. “Sửa lại tàu, mua ngư lưới cụ, dàn đèn… mất cả tỉ đồng, không tiền nhưng tôi cũng ráng vay mượn làm để tiếp tục ra khơi. Tâm huyết bao năm cứ trồi lên hụp xuống như con sóng vậy” – anh Sơn bộc bạch.

Với ngư dân Bình Chánh, việc cải tạo lại tàu là chẳng đặng đừng nhưng họ không còn con đường nào khác. “Chúng tôi quyết không bỏ biển. Câu mực, giã cào hay đánh bắt gì đó, chúng tôi vẫn ra khơi. Biển là quê hương thứ hai của ngư dân. Hơn nữa, ngư dân chúng tôi luôn tâm niệm: Ra khơi không chỉ mưu sinh mà quan trong hơn còn là để khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước” – ngư dân Lê Hồng Sơn quả quyết.

>> Phải chủ động đầu ra

Ông Nguyễn Hữu Ngọt, Chủ nhiệm HTX Đánh bắt xa bờ – Dịch vụ thủy sản Bình Chánh, cho rằng nếu theo đà “xẻ thịt” tàu như hiện nay thì năm tới, đội câu mực xà nổi tiếng xứ cù lao sẽ chẳng còn mấy chiếc để ra khơi. “Với một tàu câu mực chuyển sang nghề biển khác thì có ít nhất 15 ngư dân thất nghiệp” – ông Ngọt giải thích.

Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, vấn đề cốt lõi hiện nay là làm sao để ngư dân câu mực không còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. “Tại sao các doanh nghiệp trong nước không nghiên cứu chế biến mực thô thành sản phẩm tinh đạt tiêu chuẩn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu” – ông Hoàng băn khoăn.

Bích Nguyên

Người Lao động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!