T2, 06/07/2020 12:17

Làng nghề Cù Lao Xanh: Nơi đàn cá tự tìm về

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định), nghề lưới đăng gắn với câu chuyện kỳ lạ của đàn cá thu hàng năm lại kéo về đảo, cả làng cùng ra biển chờ cá chui vào lưới. Dân làng thường ước nguyện mỗi khi mùa cá về và tự định ước, đó là lộc biển ban cho dân nghèo Cù Lao Xanh.

Lưới cầu trời

Lưới đăng, theo các ngư dân là không giống các loại lưới ở vạn chài khác. Đây là một loại lưới có mắt lưới thưa, độ vây bọc rộng. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất, đó là viền lưới được đính kèm “chuỗi ngọc” là 200 hòn đá tảng rất to và nặng. Khi ra biển, các ngư dân cho thuyền chạy vòng thành cung lưới khép kín, gò lưng ném đá tảng để lưới ghim xuống đáy biển, dựng lên thành bức tường lưới.

Điều gì khiến cho người dân đảo Cù Lao Xanh luôn nhớ về nghề lưới đăng pha với chút ngưỡng vọng như vậy?. Đó là vì đàn cá tự đi, tự về, tự chui vào lưới. Trong câu chuyện với các ngư dân, mỗi người đều nhắc về nghề lưới đăng với lòng  thành kính. Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, từng đàn cá thu xanh mướt từ ngoài khơi lại kéo về đảo. Cá dày đặc mặt nước và quần tụ ngay khu ghềnh trước đảo. Khu ghềnh này ăn lõm vào bờ như một vịnh nhỏ. Cá về là cả đảo rộn ràng niềm vui, các thuyền chuẩn bị lưới chài, các cụ già trịnh trọng đặt tên là Đại Đăng.

làng nghề cù lao xanh nơi đàn cá tự tìm về

Nghề đăng vẫn được gìn giữ ở Cù Lao Xanh – Ảnh: Lê VănChương

             

Lệ làng đại đăng

Đảo Cù Lao Xanh thuộc xã đảo Nhơn Châu, nằm cách thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định 24 km, cách xã Xuân Hòa, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên 9 km; với hơn 2.000 cư dân sống ở đảo. Tháng 3 là cá về đảo. Mùa cá thu về đảo được người dân ở Cù Lao Xanh đón mừng bằng hoạt động văn hóa ra quân đánh bắt. Cứ vào ngày 16/3 âm lịch, làng tổ chức quyên tiền các ngư dân để tổ chức mời đoàn hát ở Quy Nhơn ra đảo hát bội, làm lễ cầu ngư. Hòn đảo bình yên trở nên rộn ràng tiếng kèn, trống.

Để đàn cá thu về đảo và tự chui vào lưới đăng mà không bị kinh sợ rồi bỏ đi, vạn chài ở Cù Lao Xanh quy định, mỗi ngày chỉ cho phép 2 thuyền ra quây lưới đăng theo thứ tự bốc thăm. Người dân ở đảo tuân thủ tuyệt đối nghiêm lệ làng và không bao giờ vi phạm, không có chuyện cá của trời cứ thích là đánh. Tàu cá ở các địa phương khác cũng không được phép vào trong vịnh để đánh cá bừa bãi. 

Tình hình đàn cá thu vào sát đảo luôn được một ngư dân bơi lội báo hiệu. Hai thuyền ra quây cá trong vịnh. Khi cá vào khá nhiều trong lưới thì ngư dân bơi dưới nước phất tay ra hiệu: “khép cửa!”. Lưới được quây kín và kéo lên. Cá ào ào đổ lên thuyền.

“Sản lượng đánh bắt hả?, hồi đó có ngày kiếm được 5 – 7 lằm, đôi ba lèm (lằm), có khi cả thiên” – một lão ngư dân biết câu chuyện về sản lượng cá bằng những ngôn từ khá xưa của người dân Cù Lao Xanh. Tính từ “lằm” có nghĩa là trăm, “thiên” có nghĩa là nghìn. Thời trước, mỗi ngày 2 thuyền ra biển quây lưới đăng thường kiếm được vài trăm con cá là thu là chuyện bình thường, có khi kiếm được vài nghìn cá. Cá thu tự tìm về đảo là đàn cá lớn, 2 – 3 con/kg. Mỗi ngày ngư dân kiếm vài tấn cá là chuyện thường tình. Nếu so với giá cả hiện nay thì một ngày đánh bắt sát bờ, ngư dân kiếm vài trăm triệu đồng.

 

Nét đẹp lệ làng chài

Vài năm gần đây thì đàn cá thu của trời vắng bóng. Có chăng chỉ là những chú cá thu thưa thưa vẫn theo lối vào vịnh chạy vòng quanh theo lối cũ, trong đó một số ít chui vào lưới đăng để khuôn mặt méo xệch của các lão ngư hé chút nụ cười. Nhưng ngư dân vẫn không từ bỏ nghề đăng. Buổi sáng, trên bãi biển Cù Lao Xanh đầy nắng, lão ngư dân Nguyễn Văn Bi đang hì hục kết lưới để chuẩn bị bước vào mùa đăng mới. Ông Bi cho biết, cá hết nhưng nghề lưới đăng ông bà thì vẫn còn. Ra đó ngồi chờ không có cá thì anh em ngắm biển, uống trà chơi, kể chuyện nghề đăng.

Vào tháng 3, các lão ngư ở Cù Lao Xanh vẫn ra biển hóng cá, dù chỉ quây được ít con cá thu về đảo. Nhưng lệ làng ở Cù Lao Xanh thì trăm năm vẫn vậy. Khi ra biển thì bốc thăm, đi đánh bắt theo trật tự. Nếu người có tang thì không lên thuyền. Ra biển không được nhắc tên con cọp, con mèo; con ba ba phải gọi trái đi là con đú. Chiếc mỏ neo đánh lưới thì ngư dân vẫn giữ nguyên như thời cách đây trăm năm, đó là mỏ neo gỗ đã mòn vẹt vì sử dụng đã qua 2 – 3 đời.

>> Ông Hồ Nhật Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu cho biết: “Nghề lưới đăng gần bờ đã một thời rất phát đạt. Nhưng bây giờ các tàu giã cào, nghề lưới hiện đại đã chặn đàn cá từ ngoài khơi nên nghề đăng gặp khó”.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!