T2, 06/07/2020 09:58

Lãng phí đầu tư

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2011, được công bố đầu năm 2012, mở ra niềm phấn khởi kéo dài không bao lâu, nay đã ập đến nhiều nỗi lo. Tình trạng nợ nần, thiếu nguyên liệu chế biến gay gắt, đời sống công nhân xuống thấp, một số doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, tổng hợp lại là nỗi lo về hiệu quả đầu tư. Những năm qua, ngành thủy sản đã đầu tư khá lớn vật lực và tài lực nhưng chất lượng vẫn thấp.

Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng) Trần Văn Lĩnh trả lời truyền thông: “Giá trị xuất khẩu năm 2011 của thủy sản tăng chủ yếu là do giá thị trường thế giới tăng. Trong khi giá chung của thế giới tăng 22-25% thì ngành thủy sản Việt Nam chỉ tăng 21%”. Như thế, con số kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011 là 6,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2010, hóa ra cũng không nên quá hào hứng. VASEP Trần Thiện Hải nhận định, năm 2012 có thể khoảng 20% doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đóng cửa. Ông Hải nói: “Ngành nghề của chúng ta đang ngày càng ít hấp dẫn, năng lực cạnh tranh giảm sút nhiều”. Phó chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho biết, hiện có 80% doanh nghiệp cá tra giảm công suất chế biến, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Về chế biến cá tra, tại cuộc họp tổng kết năm 2011 và đề ra kế hoạch năm 2012, ngày 7/2 tại TP Cần Thơ, báo cáo của Tổng cục Thủy sản đã nhận xét: “Sản phẩm cá tra xuất khẩu trong năm 2011 vẫn chủ yếu là hàng cá fillet đông lạnh, với giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,79 tỷ USD chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước, các sản phẩm giá trị gia tăng vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1%”.

Trong khi đó, cũng theo Tổng cục Thủy sản, ĐBSCL có khoảng 100 cơ sở chế biến đông lạnh cá tra với công suất chế biến một năm gần 1 triệu tấn sản phẩm. Nhưng sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2011 chỉ xấp xỉ 1,2 triệu tấn, nên “bình quân nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất”. Chuyên gia chế biến thủy sản đã nói, nhà máy phải hoạt động từ 70% công suất trở lên mới hy vọng có lời.

Những con số giản đơn cho thấy sự lãng phí lớn trong đầu tư của ngành thủy sản. Chưa kể, việc đầu tư mở rộng tràn lan như Công ty CP Thủy sản Bình An ở Cần Thơ đang nóng dư luận, xây dựng viện nghiên cứu, nhà máy sản xuất nước uống collagen còn kéo hiệu quả kinh tế xuống thấp hơn nữa.

Hoặc con tôm ở tỉnh Bạc Liêu, hàng năm tỉnh nuôi được 70.000-80.000 tấn nhưng đưa vào nhà máy chế biến tại địa phương chỉ 30-40% nên nhà máy luôn thiếu nguyên liệu. Năm 2010, sản lượng tôm hơn 67.000 tấn, các nhà máy chỉ mua chế biến được hơn 25.000 tấn. Năm 2011, sản lượng gần 88.000 tấn, mua chế biến được gần 24.000 tấn.

Vấn đề ở đây, liên kết giữa nuôi và chế biến vẫn lỏng lẻo, dù đã nhiều năm hô hào “liên kết”, khiến sản xuất kinh doanh luôn trong vòng xoáy khủng hoảng thiếu – thừa. Chất lượng từ nuôi trồng đến chế biến tăng rất chậm, không tương xứng với sự đầu tư.              

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!