THỨ SÁU, ngày 18/4/2025

Lạng Sơn: Phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với lợi thế có nhiều hệ thống sông ngòi, diện tích hồ chứa khá lớn nên nghề nuôi cá lồng ở Lạng Sơn đã và đang phát triển khá nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân ở các địa phương.

Tăng thu nhập

Với lợi thế gần 1.300 ha diện tích mặt nước, thuận lợi để phát triển thủy sản, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế lòng hồ, góp phần nâng cao thu nhập.

Thời gian qua, để thúc đẩy phong trào phát triển nuôi cá lồng, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của người dân, các cấp, ngành chức năng đã phối hợp thực hiện tốt chính sách ưu đãi về con giống, thức ăn, tập huấn kỹ thuật,… Qua đó, diện tích nuôi cá lồng ngày càng mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 567 lồng cá, tăng gấp hơn 2 lần năm 2016. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của mưa, bão dẫn tới một số lồng bị hư hỏng, nên đến nay toàn tỉnh còn 513 lồng cá, tập trung ở các huyện Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Lộc Bình.

Toàn tỉnh hiện có 513 lồng cá. Ảnh: Hoàng Tính

Ông Trần Văn Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng, hằng năm, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nguồn lực cho người nuôi cá lồng để tăng thêm số lồng cũng như nâng cao chất lượng cá.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2024, từ các nguồn vốn khác nhau, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai hỗ trợ người dân phát triển cá lồng với quy mô 131 lồng cá (trong đó vốn sự nghiệp thủy sản triển khai thực hiện 105 lồng cá; vốn khuyến nông trung ương triển khai hỗ trợ thực hiện 26 lồng cá) với các loại cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, nheo,… Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh; các hộ dân thực hiện đối ứng 30% và làm lồng nuôi. Tất cả các hộ dân thực hiện mô hình đều được tập huấn kỹ thuật trước khi triển khai.

Qua khảo sát thực tế ở các hộ, hợp tác xã nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh, năm 2024, bình quân mỗi lồng cá cho thu nhập 15 – 40 triệu đồng/năm (tùy diện tích lồng và loại cá nuôi), tăng 10% so năm 2020. Từ việc phát triển mô hình nuôi cá lồng đã góp phần vào sự phát triển thủy sản chung trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh được 1.905,36 tấn, tăng 2,73%, trong đó sản lượng cá nuôi đạt 1.896,46 tấn, tăng 2,59% so năm 2023.

Nghề nuôi cá lồng đã góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.

Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ

Tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lồng ở Lạng Sơn là rất lớn nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết. Diện tích mặt nước để phục vụ nuôi cá lồng vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn thuận lợi cho nuôi cá lồng như hồ chứa nước Bản Lải, hồ thủy điện Thác Xăng,…

Bên cạnh đó, nghề nuôi cá lồng vẫn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch, phát triển sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường, mùa mưa lũ dễ gặp rủi ro nên không bền vững. Đối với một số đối tượng nuôi mới, thủy đặc sản bản địa có giá trị cao, hiện chưa chủ động được công nghệ sản xuất giống nhân tạo.

Trình độ kỹ thuật nuôi cá lồng, bè của người dân còn nhiều hạn chế, vật liệu làm lồng chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có như tre, nứa, gỗ,… không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật.

Ông Trần Văn Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn cho biết: “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho cấp trên ban hành văn bản phân vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tiếp tục quan tâm hỗ trợ triển khai các mô hình tại những vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi cá lồng, trong đó chú trọng phát triển các loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho người chăn nuôi cá lồng,…”.

Cùng với đó, cơ quan chuyên môn khuyến khích các hợp tác xã, hộ dân mạnh dạn đầu tư vào nuôi cá lồng, trong đó cần thực hiện thủ tục đăng ký nuôi cá lồng bè, nuôi các loại chủ lực theo đúng quy định; đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi cá lồng,… Từ đó tiếp tục tăng số lượng lồng cũng như chất lượng cá lồng trên địa bàn.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!