Thời gian gần đây, trên địa bàn 5 xã của huyện Bắc Hà có sông Chảy đi qua gồm: Cốc Ly, Bảo Nhai, Cốc Lầu, Nậm Lúc, Bản Cái xuất hiện nhiều đối tượng dùng xung điện đánh bắt cá, tôm, khiến nguồn lợi thủy sản trên dòng sông Chảy vốn đã cạn kiệt nay lại bị tận diệt từng ngày.
Từ khi Nhà máy Thủy điện Bắc Hà dâng nước, mực nước phía hạ nguồn sông Chảy qua các xã của huyện Bắc Hà giảm đi nhiều, nhất là vào mùa khô. Đây là điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn và khu vực lân cận đánh bắt cá, tôm. Tuy nhiên, thay bằng phương pháp đánh bắt truyền thống, như chài, lưới, các đối tượng đã sử dụng xung điện đánh bắt cá. Tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thủy, hủy diệt môi sinh, tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Người dân đánh bắt thủy sản bằng xung điện trên sông Chảy.
Qua khảo sát của chúng tôi, tình trạng dùng kích điện đánh bắt cá, tôm trên các con suối đổ ra sông Chảy và trên dòng sông Chảy thuộc địa bàn các xã khu vực hạ huyện ngày càng công khai. Để mua sắm một bộ dụng cụ đánh bắt thủy sản bằng xung điện khá dễ dàng. Người mua chỉ cần bỏ ra khoản tiền từ 1,5 – 3 triệu đồng là đã có ngay một bộ kích điện để đánh bắt cá, tôm.
Anh P, người dân xã Bản Cái (Bắc Hà) thường xuyên đánh cá bằng xung điện trên sông Chảy cho biết: Trước đây, người dân đánh bắt thủy sản trên sông Chảy chủ yếu bằng chài, lưới, vẫn bắt được nhiều cá to có giá trị như cá chiên, cá lăng, cá măng… nhưng từ khi Nhà máy Thủy điện Bắc Hà tích nước, phía hạ nguồn chảy qua địa phận xã có thời điểm cạn trơ đáy, cá, tôm trên sông Chảy cũng vì thế mà ít dần. Nước sông Chảy cạn, nhiều người đã đầu tư mua xung điện đánh bắt thủy sản. “Nếu đếm sơ sơ trên địa bàn xã Bản Cái cũng phải có tới chục hộ gia đình có xung điện đánh bắt thủy sản và hầu như đàn ông ở đây ai cũng biết sử dụng xung điện”, anh P khẳng định.
Không riêng xã Bản Cái mà hiện nay, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trên địa các xã của huyện Bắc Hà nằm dọc dòng sông Chảy diễn ra hằng ngày. Một số cán bộ ở xã Cốc Lầu bộc bạch: Mặc dù, chính quyền xã, ngành chức năng huyện Bắc Hà đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo sử dụng xung điện khai thác thủy sản nhưng tình trạng này vẫn không chấm dứt.
Còn tại các xã Cốc Ly, Bảo Nhai, Nậm Lúc hiện chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng những người dân đánh bắt thủy sản bằng xung điện ở đây cũng không phải ít. Anh Đặng Văn Tiến, người dân xã Nậm Lúc cho biết: Bây giờ hầu hết người dân đều sử dụng xung điện để thay thế các loại ngư cụ truyền thống, mục sở thị mới biết dùng xung điện hiệu quả như thế nào, bởi chỉ cần bấm nút kích điện là cá, tôm dù lớn hay nhỏ sẽ “chết” nổi lên. “Đánh bắt như vậy không những cá, tôm trưởng thành chết mà đến cả trứng của các loài thủy sản, vi khuẩn có lợi trong nước cũng chết theo và nếu tình trạng cứ kéo dài như vậy thì có nguy cơ hủy diệt nguồn thủy sản” – anh Đặng Văn Tiến chia sẻ.
Để kiếm được nhiều cá, tôm, người dân đã bất chấp mọi mối nguy hiểm, coi thường tính mạng của mình chỉ vì cái lợi trước mắt. Mới đây, trong lúc đang đi đánh cá trên sông Chảy bằng xung điện, anh Đặng Văn Tân, sinh năm 1976, Trưởng thôn Kho Lạt, xã Cốc Lầu bất cẩn bị điện giật chết ngay tại chỗ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà cho biết: Mặc dù đã có quy định nghiêm cấm sử dụng xung điện trong đánh bắt thủy sản, huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền rộng trong nhân dân về mức độ nguy hiểm khi sử dụng thiết bị này, nhưng vì cái lợi trước mắt, trong thời gian gần đây, một số người dân vẫn ngang nhiên sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản.
Để ngăn chặn tình trạng này, huyện Bắc Hà đã chỉ đạo cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát những đối tượng trên địa bàn sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, kiên quyết tịch thu, xử phạt khi phát hiện đối tượng vi phạm, qua đó, tuyên truyền đến mọi người dân hiểu những tác hại của việc làm này.