Khai thác biển đang là một trong những thế mạnh của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt cũng như an ninh đối với ngư dân lao động trên biển đang gặp nhiều khó khăn, chưa kể chất lượng lao động biển cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Lao động đi biển ngày càng giảm
Ngành khai thác biển của Việt Nam đang bộc lộ rất rõ thực trạng yếu kém nhiều mặt, đó là manh mún, trình độ thấp cả phía ngư dân lẫn cơ quan quản lý.
Ngư dân hầu hết được đào tạo theo phương thức “cha truyền con nối” theo kinh nghiệm, kể cả thuyền trưởng, máy trưởng. Cho nên, thiếu kiến thức cơ bản để sử dụng thiết bị hàng hải, khai thác; thiếu cả kiến thức pháp luật về hàng hải, các quy định liên quan đến khai thác ở vùng biển quốc tế. Cùng đó, lực lượng lao động trí thức trong khai thác thủy sản hiện thiếu trầm trọng ở nhiều tỉnh ven biển có nghề cá phát triển. Với xu hướng tất yếu tàu khai thác ngày càng lớn trang bị hiện đại, đòi hỏi phải có những kỹ sư khai thác thủy sản để vận hành và điều khiển. Thế nhưng, những nơi đào tạo và cung cấp đội ngũ này như Trường Đại học Nha Trang vì theo nhu cầu thị trường lại giải thể khoa đào tạo kỹ sư khai thác thủy sản. Đây là điều mà những người làm công tác quản lý hết sức băn khoăn.
Theo đó, dù ngư dân trình độ thấp nhưng nhiều tàu cá cũng không có đủ để ra khơi. Ông Nguyễn Vân Thanh, Chủ tịch Hội Nghề cá Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, có tới 30% trong tổng số 1.700 tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh không thể ra khơi. Do đánh bắt không hiệu quả, thu nhập thấp, nhiều ngư phủ bỏ tàu lên bờ kiếm nghề khác mưu sinh. “Đầu năm 2013, mỗi chuyến đi biển 30 ngày, bình quân một ngư dân được khoảng 5 triệu đồng, nhưng từ tháng 7/2013 đến nay, các chủ tàu không còn tiền để chia cho ngư dân”, ông Thanh nói. Nhiều quan điểm cho rằng, do trình độ của thuyền trưởng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, ngư trường ngày càng khó nên hiệu quả đánh bắt không cao, thu nhập của thuyền viên không ổn định. Từ đó dẫn đến việc lao động nhảy tự do, nay tàu này, mai tàu khác. Nhiều tàu phải nằm bờ do không có lao động đi biển.
Ngư dân lao động trên biển đang gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Xuân Trường
Hay theo ghi nhận tại tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có đội tàu khai thác khoảng 7.800 chiếc, trong đó, khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 18.000 lao động. So với đánh bắt gần bờ, thì đánh bắt xa bờ đòi hỏi lao động phải có trình độ và kiến thức nhất định về nghiệp vụ để sử dụng và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị máy móc phục vụ hoạt động đánh bắt. Theo thống kê của ngành chức năng, Bình Thuận chỉ có duy nhất một chủ tàu có trình độ đại học chuyên ngành khai thác thủy sản.
Tập trung nhiều giải pháp
Ngày 16/4, tại Đà Nẵng, Chính phủ tổ chức hội nghị chuyên đề bàn giải pháp phát triển thủy sản, nâng cao đời sống ngư dân. Vấn đề vốn cho ngư dân, cho đánh bắt xa bờ được đặt ra và một số giải pháp đã được quyết định. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết “thành lập gói hỗ trợ ngư dân 10.000 tỷ đồng”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị: “Cần gói tín dụng 3.000 tỷ đồng vay ngắn hạn cho tàu đánh bắt xa bờ, trung bình mỗi con tàu 200 triệu đồng/chuyến biển, thực hiện trong 10 năm”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Đóng và cải hoán tàu đánh bắt xa bờ sẽ cho vay với lãi suất một năm 5%, thời hạn 10 năm; ngoài ra các địa phương cần hỗ trợ thêm để mức lãi suất cho ngư dân vay chỉ còn khoảng 3 – 4% “là tốt nhất”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đào tạo nâng cao trình độ kiến thức về pháp luật hàng hải, nghiệp vụ đi biển, sử dụng máy móc cho đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và một bộ phận lao động nòng cốt là rất cần thiết. Với điều kiện hiện nay thì cố gắng đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng có trình độ trung cấp trở lên. Cùng với kinh nghiệm đi biển được tích lũy, họ sẽ có đủ điều kiện và năng lực để điều khiển phương tiện khai thác một cách hiệu quả. Còn đối với thuyền viên thì phải có trình độ công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp.
Vì vậy, để khắc phục sự thiếu hụt lao động trong khai thác thủy sản thì giải pháp căn cơ là phải cơ cấu lại ngành nghề theo hướng tăng nhanh các ngành nghề đánh bắt chọn lọc mang tính hiệu quả cao. Phát triển sản xuất phải gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp thông qua cơ chế, chính sách, khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, đẩy nhanh việc cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu thuyền, trang thiết bị ngư cụ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất trên biển. Từ đó tạo động lực khuyến khích người lao động theo nghề biển.
>> Những năm gần đây, ngành chức năng các tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghiệp vụ thuyền trưởng, máy trưởng. Hầu hết thuyền trưởng, máy trưởng của các tàu đánh bắt xa bờ được cấp chứng chỉ chuyên môn. Nhưng đối với thuyền viên (bạn), đa phần thành thạo nghề nhưng trình độ văn hóa thấp, chỉ khoảng 300/18.000 lao động xa bờ được đào tạo nghiệp vụ. |