(TSVN) – Đây là đề nghị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại cuộc họp giao ban ngành nông nghiệp diễn ra sáng 5/9 tại Hà Nội.
Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác của cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu công bố ngày 06/9/2024 của Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 8/2024 ước đạt 862.300 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 6.090.100 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.446.500 tấn, tăng 4%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.643.600 tấn, tăng 0,9%.
Biểu đồ sản lượng thủy sản 8 tháng năm 2024. Ảnh: CTS
So với kế hoạch năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 66% (9,221 triệu tấn), trong đó, khai thác đạt 75% (3,54 triệu tấn), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 61% (5,68 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 6,23 tỷ USD, tăng 7,6% cùng kỳ năm 2023 (4,153 tỷ USD) và đạt 65,6% kế hoạch (9,5 tỷ USD).
Từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản tiếp tục triển khai các Chương trình, Đề án theo đúng kế hoạch được phê duyệt. Trong đó, hoàn thiện Đề án “Phát triển Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển; Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa; Chương trình GAP; Đánh giá hiện trạng nuôi biển cả nước và xác định tiềm năng các vùng có khả năng phát triển nuôi biển.
Một trong các vấn đề lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay đó là gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC. Châu Âu là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, do đó “thẻ vàng” của EC đã khiến xuất khẩu của Việt Nam sang EU gặp một số khó khăn nhất định, chẳng hạn như việc tăng thêm chi phí giao hàng do phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn và thời gian giao hàng cũng bị kéo dài lâu hơn.
Tàu thuyền ra khơi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khai thác thủy sản. Ảnh: ST
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, giá trị xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm bình quân 6-10 %/năm. Nếu trước kia, EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản), thì nay đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU của Việt Nam thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định, đặc biệt là việc tổ chức lại hệ thống kiểm ngư với 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư và việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hình sự hóa những hành vi vi phạm liên quan đến IUU hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhằm xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, hiện có 3 điểm khó khăn, tồn tại chính mà Việt Nam cần tập trung thực hiện các khuyến cáo của EC. Thứ nhất, tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Thứ hai, tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình. Thứ ba, Việt Nam còn những đội tàu chưa được đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác.
Chủ trì cuộc họp về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành tháng 8, 8 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2024 của Bộ NN&PTNT sáng 5/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị lắp đặt các màn hình lớn theo dõi tại các cảng cá để nâng cao ý thức của ngư dân mỗi khi xuất và cập bến.
Được biết, để chuẩn bị cho đợt kiểm tra sắp tới của đoàn EC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản). Điều này cho thấy, quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu.
Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Chỉ thị huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU.
Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chứng minh những nỗ lực của mình trong việc chống đánh bắt IUU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” sớm nhất có thể. Đây không chỉ là vấn đề thực hiện nghiêm Luật Thủy sản năm 2017 mà còn là vấn đề bảo vệ an ninh bờ biển và an toàn hệ sinh thái biển.
Minh Khuê