Dường như cả cuộc đời gắn bó với sóng biển, những con người lận đận mưu sinh bán các món hàng rong trên những chiếc ghe tại Cảng cá La Gi đã quá quen thuộc với mọi người.
Có mặt tại Cảng cá La Gi (thị xã La Gi) khi trời vừa mờ sáng, chúng tôi ghi nhận đủ thứ âm thanh hỗn tạp pha lẫn vào nhau. Tiếng tàu thuyền cập cảng, tiếng người mua bán gọi nhau í ới, âm thanh từ tiếng nổ bành bạch từ máy xay đá… tất cả tạo nên cảnh náo nhiệt, ồn ào và kéo dài cho tới khi mặt trời lên cao.
Xa xa mấy chiếc ghe nhỏ bơi lượn vòng trên con sóng với những tiếng rao hàng “Ai thuốc lá, bánh ngọt… giải khát…”. Chịu khó quan sát, nhận ra gần chục chiếc ghe với những người phụ nữ nước da đen sạm cùng những món hàng đang tất bật mưu sinh từng ngày. Những người phụ nữ chân chất thật thà buôn bán các thứ mà giá trị hàng hóa không đáng là bao, chỉ là những bao thuốc lá, những chai nước giải khát, những bịch bánh hay những túi kẹo…
Để cảm nhận cuộc sống vất vả của những người phụ nữ lênh đênh trên sóng biển nơi này, tôi gọi mua chai nước giải khát và muốn ngồi trên ghe vòng quanh bến cảng. Biết tôi không phải là người địa phương nhưng muốn tìm hiểu, chị chủ ghe cho tôi đi cùng. Chị tên Kiều Trinh (gần 50 tuổi) đã có gần 15 năm buôn bán trên biển ở Cảng cá La Gi. Qua tâm sự được biết, sau những năm tháng gánh cá thuê trên bến, sức khỏe không cho phép, chị đành mua chiếc ghe nhỏ chọn nghề này để kiếm sống qua ngày. Cũng cái nghề này mà chị đã nuôi hai con học đại học mới ra trường và hai cháu nhỏ đang học phổ thông. Một mình gồng gánh, bơi chèo nuôi 5 miệng ăn đối với chị là quá sức, nhìn đôi tay rám nắng, bàn chân thoăn thoắt bên mái chèo đủ hiểu chị gắn với nghề tự bao giờ. “Nghề này hơi vất vả vì nắng nóng, nhưng được cái sống thoải mái hơn những công việc gánh cá thuê trên bờ. Chuyện làm ăn không phải lúc nào cũng tốt, nhất là thời buổi hiện nay khi mọi cái đua nhau leo thang theo vật giá, các chủ thuyền sau khi cập bến lại thích lên bờ, nhưng ngày nào mình cũng phải bán để phục vụ những khách quen. Những lúc gặp ghe thuyền các tỉnh khác cập cảng bốc dỡ nguyên liệu thì mình bán khá hơn”, chị Trinh nói.
Hơn một giờ đồng hồ ngồi trên ghe, được chứng kiến những việc chị làm, chúng tôi cảm nhận sự vất vả và khó khăn. Trên gương mặt chai sạm vì nắng gió của người phụ nữ tên L (tuổi chưa đầy 30) đang chèo ghe về hướng đông người. Tôi tò mò hỏi vui: “Chị ơi, mấy cháu rồi sao mà phải dậy sớm chèo ghe buôn bán thế này? Chị L hơi e ngại nói với tôi như thầm nghĩ cho cuộc đời mình. Được hai cháu rồi, nhưng ở nhà lấy cái gì mà sống, gia cảnh nghèo nên cố đi bán kiếm thêm chút tiền để trang trải cuộc sống qua ngày! Cái nghề này nó vậy đấy, phải dậy sớm chuẩn bị mọi thứ để kịp bán cho những chuyến tàu cập bến, chứ mình đi trưa là họ lên bờ về nhà nghỉ hết, biết bán cho ai”.
Chỉ vài bao thuốc lá con mèo, ngựa, Jet,… các loại nước giải khát và một vài thứ khác. Mấy chiếc ghe vòng quanh trên sóng biển chắc đã quen với bao ngư dân nơi đây. Có những khách quen mua đồ, chỉ cần kêu là chị đã biết mua gì, uống gì. Chị L vui mừng kể về những chủ thuyền tốt bụng, họ gọi mua bao thuốc lá hay chai nước ướp lạnh nhưng bù lại họ cho chị những con cá tươi ngon, những lúc như thế cảm thấy vui trong lòng. Từng nhịp chèo theo con sóng vỗ, chiếc ghe nhỏ lao nhanh trên mặt trước mỗi khi có người gọi. Trên ghe hai chân chị đạp vào bơi chèo cứ thế kéo dài vượt theo con sóng.
Rời chiếc ghe nhỏ của chị L, tôi sang chiếc ghe của anh Nguyễn Văn Nanh (52 tuổi) – chuyên vận chuyển khách là những ngư dân ra vào các ghe đậu cách bờ vài trăm mét. Buổi sáng sớm cũng là lúc thuyền cập bến mỗi đông, đó là thời điểm anh đưa được nhiều khách nhất. Nói nghề chèo đưa khách cho oai chứ tận mắt ngồi trên ghe tâm sự với anh mới thấy cuộc sống khổ cực thế nào. “Cả buổi ngoài trời, hễ ai kêu là đôi chân dẻo dai đạp nhanh để phục vụ khách ra vào. Vì đã trót gắn đời mình cả chục năm với nghề nên cũng cố bám thôi em ơi! Mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng, hôm nào may mắn được gần một trăm ngàn đồng. Vất vả lắm mới tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình”, anh Nanh chia sẻ.
Cái nắng nóng vùng biển mỗi lúc gay gắt hơn, bến cảng cũng thưa dần những người hành nghề buôn bán. Chia tay các chị cùng mấy anh nơi Cảng cá La Gi cũng là lúc mặt trời lên cao, ánh nắng chói chang khiến chúng tôi phải cay mắt bởi những giọt mồ hôi thấm ra. Những người bán hàng rong, các tay chèo đưa khách kia vẫn nhịp nhàng, đều đặn đôi chân và dần khuất xa về nơi bến đỗ.