Liên chi Hội nghề cá Điện Biên: Phát huy thế mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Điện Biên đạt hơn 2.023 ha. Những năm gần đây, việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng trị dịch bệnh cho thủy sản… đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tiềm năng lớn

Tỉnh Điện Biên giàu tiềm năng đất đai, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính phủ về chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư cho miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh.

Cá rô phi đơn tính được nuôi thả chiếm ưu thế

Về phương thức sản xuất thủy sản của các hộ dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là nuôi quảng canh, diện tích nuôi thâm canh còn hạn chế, hầu hết mới tập trung ở huyện Điện Biên và TP Điện Biên Phủ. Với đối tượng nuôi là các loại cá truyền thống, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên năng suất và sản lượng khai thác hàng năm chưa cao. Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn vốn, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 8 trại sản xuất giống thủy sản, mỗi năm sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 111 triệu con cá giống (mè, trôi, trắm, chép, rô phi đơn tính). Ngoài ra, các cơ sở này còn nhập thêm các giống: cá chép V1, rô đầu vuông, cá lóc, trê lai, tôm càng xanh… để ương nuôi và cung cấp giống cho người nuôi trồng. Trong đó, cá rô phi đơn tính đã được phát triển và trở thành thế mạnh của vùng với không ít gia đình khu vực lòng chảo Mường Thanh, thị xã Mường Lay, tạo hiệu quả kinh tế cao, ổn định, góp phần mở hướng phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

 

Vai trò tổ chức hội

Liên chi Hội Nghề cá tỉnh Điện Biên được thành lập tháng 5 năm 2005, thực hiện các hoạt động tư vấn cho nông dân, ứng dụng KH – KT công nghệ mới và kinh nghiệm sản xuất cho nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo, tư vấn học nghề và tổ chức dạy nghề cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân thực hiện xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Hàng năm, Liên chi Hội đã thực hiện việc liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Phối hợp với Trường cao Đẳng NN&PTNT Bắc Bộ mở lớp tập huấn cho hội viên, nông dân trong tỉnh về kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật chăn nuôi thủy sản đặc sản như ba ba, ếch, lươn, tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính…

Bà Hoàng Thùy Minh, Phó chủ tịch Liên chi Hội cho biết, hoạt động của Liên chi hội bên cạnh những thuận lợi về nguồn lợi tự nhiên về thủy sản của vùng, sự quan tâm của các cấp ngành, còn gặp nhiều khó khăn. Đó là vấn đề về nguồn vốn để đầu tư hỗ trợ thực hiện các mô hình điểm tại các chi hội; cán bộ chi hội còn thiếu kinh nghiệm thực tế… Năm 2013, Liên chi Hội tiếp tục củng cố tổ chức, vận động hội viên tham gia tích cực hơn, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KH – KT vào sản xuất. Đặc biệt, tập trung nguồn lực phát triển những đối tượng nuôi tiềm năng, có giá trị kinh tế cao và nhân rộng hơn nữa các mô hình điểm về nuôi trồng thủy sản hiệu quả.

>> Năm 2012, tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh Điện Biên đạt hơn 1.410 tấn, tăng 107 tấn so năm 2011. Cá rô phi đơn tính được nuôi thả chiếm ưu thế. Sản lượng cá rô phi đơn tính khai thác chiếm gần 30% sản lượng thủy sản nuôi trồng.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!