Liên kết lợi ích

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hội nghị tổng kết sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL năm 2011, Bộ NN&PTNT tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 7/2, cho biết, dù nhiều khó khăn, xuất khẩu vẫn đạt 1,805 tỷ USD. So với năm 2010, kim ngạch tăng 27%, trong lúc sản lượng xuất khẩu với 600.000 tấn chỉ tăng 3%; còn diện tích nuôi tương đương, sản lượng nguyên liệu tăng 4%. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói, đó là kết quả của chủ trương từ đầu năm, ổn định sản lượng, tập trung nâng cao chất lượng.

Theo Tổng cục Thủy sản, chuyển biến đáng ghi nhận là “xuất hiện nhiều mô hình liên kết hoạt động có hiệu quả, điển hình như mô hình liên kết chuỗi”. Trong đó, “chuyển biến mạnh mẽ của các doanh nghiệp chế biến hầu hết đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, có doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu được 60-70% công suất chế biến. Số diện tích nuôi đạt chứng nhận quốc tế tăng, đến nay có khoảng 2.000 ha đạt chứng nhận GlobalGAP, chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi”.

Tuy nhiên, đại diện VASEP cũng thừa nhận, xuất khẩu tăng nhưng lợi ích của người nuôi và doanh nghiệp chế biến chưa tăng tương ứng. Năm 2011 chứng kiến sự biến động cá tra nguyên liệu khá phức tạp, mỗi ki-lô-gam từ 23.500 đồng tháng 1, lên đỉnh 29.000 đồng tháng 5, xuống 22.500 đồng tháng 8, lên 28.500 đồng tháng 11 và sau đó lại xuống. Trong lúc, giá thành mỗi ki-lô-gam 24.000 đồng nên người nuôi nhiều lúc lỗ. Doanh nghiệp cũng lao đao vì tổng công suất chế biến của 100 cơ sở khoảng 1 triệu tấn sản phẩm, trong lúc nguyên liêu chỉ xấp xỉ 1,2 triệu tấn. Tình hình chiếm dụng vốn của doanh nghiệp với người nuôi thường 1 – 3 tháng, càng làm cho người nuôi khó khăn và cả ngành thiếu ổn định.

Kết quả, niềm tin giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với người nuôi vẫn có khoảng cách lớn, chưa có dấu hiệu thu hẹp, là nguyên nhân chính hạn chế hiệu quả sản xuất và tiêu thụ cá tra. Nên VASEP nhiều năm rồi, hô hào đồng hành cùng người nuôi, chia sẻ khó khăn, tuy nhiên cũng ngày càng rõ, lợi ích VASEP và người nuôi ngược chiều và nay lời nói không nuôi hy vọng được nữa. Lời nói không khắc phục được khoảng cách trái chiều, chỉ có mối liên kết lợi ích mới khắc phục được.

PGS. TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cho rằng, có 4 hình thức liên kết cần nhận diện đầy đủ và thực hiện nghiêm túc. Thứ nhất là liên kết dọc giữa các tác nhân tham gia chuỗi, đảm bảo sản xuất có kế hoạch, quản lý chất lượng sản phẩm. Thứ hai là liên kết ngang giữa các cá thể trong mỗi khâu, những người nuôi nhỏ lẻ tập hợp lại để tăng năng suất và để bình đẳng với VASEP trong ký hợp đồng. Hai hình thức liên kết còn lại, liên kết 4 nhà và liên kết vùng để giải quyết hàng loạt vấn đề về kỹ thuật, kiểm soát thị trường, chất lượng thức ăn, con giống, xây dựng chính sách trợ vốn, xúc tiến thương mại, quy hoạch. Các liên kết vận hành bằng lợi ích để bền bỉ tìm kiếm lợi ích, tạo nên một ngành kinh tế phát triển cân đối, ổn định.          

Sáu Nghệ

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!