Linh hoạt giải pháp hỗ trợ tín dụng lĩnh vực thủy sản, lúa gạo

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực phát triển năng động, đã và đang triển khai nhiều giải pháp kinh tế mang tính chất khu vực. Xác định đây là một vùng rất quan trọng nên trong chỉ đạo điều hành, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều cơ chế chính sách riêng cho ĐBSCL và trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề lúa gạo, thủy, hải sản.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng ĐBSCL; do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tổ chức ngày 15/9.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so cuối năm 2022. Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức (TCTD) quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535.000 tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc. Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản là thế mạnh của vùng, có mức tăng trưởng ấn tượng. Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%).

Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng ĐBSCL. Ảnh: ST

Báo cáo về “Chính sách tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy thu mua, tiêu thụ xuất khẩu thủy sản, lúa, gạo vùng ĐBSCL” tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, các cơ chế, chính sách tín dụng đã không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngành lúa gạo, thủy sản nói riêng thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP, triển khai hiệu quả các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp… theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, NHNN cũng đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm), chính sách cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ.

Để bảo đảm sự phát triển bền vững, bà Giang nhấn mạnh, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành tại ĐBSCL phải nắm sát hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành thủy sản, lúa gạo. Theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn; bảo đảm hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ; không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng…

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị lãnh đạo các địa phương đẩy mạnh kết nối hỗ trợ cho doanh nghiệp, phối hợp tháo gỡ khó khăn thực tế của doanh nghiệp. Các bộ, ngành địa phương tích cực tháo gỡ các vấn đề như hoàn thuế, các thủ tục giấy phép kinh doanh dự án… Các kiến nghị của doanh nghiệp xuất khẩu liên quan đến giao dịch một số loại ngoại tệ như đồng RUB, CNY, lãnh đạo NHNN giao các chi nhánh tổng hợp báo cáo, trên cơ sở đó, NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể, hài hòa các mục tiêu vĩ mô

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!