(TSVN) – Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến lĩnh vực kinh tế trong nước, buộc các doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt trong các giải pháp thích ứng. Với ngành hàng thủy sản, các doanh nghiệp cũng đang tìm những hướng đi thích hợp để vừa tận dụng được nhu cầu thị trường vừa giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu.
Theo ghi nhận của VASEP, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 51% so cùng kỳ năm 2020 với giá trị kim ngạch là trên 1,5 tỷ USD, đây là mức tăng đột biến do nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu tăng cao. Đánh giá ban đầu, 2 tháng đầu năm vẫn có sự gia tăng, nhưng sang đầu tháng 3 thì nhiều đơn hàng bị dừng xuất khẩu sang 2 thị trường này. Nga nhập khẩu trung bình khoảng 164 triệu USD sản phẩm thủy sản Việt còn thị trường Ukranie là 29 triệu USD, tổng nhập khẩu 2 thị trường này chiếm khoảng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước; tuy tỷ lệ nhỏ nhưng đây cũng là những thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, trước những lệnh trừng phạt với thủy sản Nga, các doanh nghiệp Việt Nam cũng le lói một chút cơ hội giành thị phần của Nga tại các nước nhập khẩu cá thịt trắng như Mỹ, EU… dù cá tra không hoàn toàn thay thế cho cá minh thái, cá tuyết.
Cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ thị trường. Ảnh: Thanh Cường
Khởi sắc như với thị trường Anh. Theo thống kê của Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt gần 44 triệu USD, tăng 37% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó riêng mặt hàng tôm chiếm 76% với 33,5 triệu USD, tăng 55%; đặc biệt, xuất khẩu tôm sú sang thị trường Anh tăng đột phá, gấp 6 lần so cùng kỳ năm 2021. Hai tháng đầu năm nay, riêng TTCT chiếm 69% giá trị xuất khẩu thủy sản sang Anh với 30,4 triệu USD, tăng 54%. Tôm sú chỉ chiếm 2,7% nhưng so cùng kỳ năm trước tăng gấp 6 lần cho thấy tín hiệu rất lạc quan đối với mặt hàng này tại thị trường Anh. Cá tra chiếm 16,4% xuất khẩu sang Anh với 7,2 triệu USD, tăng nhẹ 4%. Sau khi tăng 20% trong tháng 1, xuất khẩu cá tra sang Anh trong tháng 2 lại giảm 16% so tháng 2/2021. Xuất khẩu cá ngừ và các loại cá biển khác sang Anh tiếp tục giảm trong 2 tháng qua, giảm lần lượt 44% và 24% so cùng kỳ năm trước. Hiện có 47 doanh nghiệp Việt xuất khẩu thủy sản sang thị trường Anh, trong đó, top 3 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Thủy sản Thông Thuận – Cam Ranh, Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh, Công ty CP Vĩnh Hoàn đang chiếm gần 30% doanh số xuất khẩu sang Anh.
Theo các chuyên gia, sở dĩ Việt Nam có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Anh là do tình hình xung đột Nga – Ukraine căng thẳng và hệ thống bán lẻ tại Anh đã có động thái tẩy chay sản phẩm thủy sản từ Nga. Các siêu thị bán lẻ Asda và Wm Morrison đang loại bỏ một số sản phẩm cá của Nga khỏi kệ bán hàng. Một số dòng cá nguyên con đang bị loại bỏ bao gồm cá minh thái đông lạnh, cá hồi hồng đông lạnh và sản phẩm thăn cá tuyết tươi. Nga nằm trong top 11 nhà cung cấp cá thịt trắng cho thị trường Anh, nên phản ứng tẩy chay hàng Nga của người Anh có thể là cơ hội cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam tăng thị phần trong những tháng tới. Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn thứ 6 tại Anh, chiếm 6% thị phần trong năm 2021. Thêm vào đó, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ cuối năm 2020 với những ưu đãi về thuế quan cũng đang tạo lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam so các đối thủ khác.
Năm nay dự báo xuất khẩu thủy sản tăng khoảng 7% tương ứng là 9,5 tỷ USD, do Việt Nam có lợi thế so sánh với các thị trường khác là chất lượng hàng hóa và thực thi hiệu quả các FTA đã được ký kết và thực thi. Các doanh nghiệp thủy sản vẫn cố gắng mở rộng, đa dạng hóa thị trường để thích ứng trong tình hình mới, giảm thiểu rủi ro và gia tăng chi phí cho hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Tuy nhiên, chi phí tăng cao là mối lo ngại lớn nhất với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Cụ thể là chi phí logistics vốn đã ở mức cao từ năm 2020 thì nay chiến sự Nga – Ukraine lại góp phần làm gia tăng chi phí logistics vì căng thẳng nguyên liệu. Thêm vào đó, xung đột Nga – Ukraine cũng khiến cho việc đặt container để xuất hàng ngày càng khó khăn, bế tắc. Những yếu tố này đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu và lợi nhuận của các doanh nghiệp sang các thị trường nói chung và sang Anh nói riêng.
Trước những thuận lợi và thách thức đan xen trong hoạt động xuất khẩu thủy sản hiện nay, đại diện VASEP kiến nghị, cần có sự cải thiện về môi trường kinh doanh, giúp tháo gỡ các rào cản nâng cao năng lực cạnh tranh; cùng đó là chương trình phục hồi của Chính phủ với các biện pháp đã được ban hành; làm sao để các đề xuất, báo cáo kiến nghị từ doanh nghiệp gắn với ngư dân, nông dân, sản xuất và thị trường quốc tế được cập nhật, lắng nghe tiếp thu tốt để có những biện pháp điều hành nghị quyết chỉ đạo sẽ tạo sự linh hoạt, giúp phục hồi nhanh và tốt nhất cho cộng đồng những người làm thủy sản.
Hồng Hạnh