T6, 12/04/2024 07:58

Lĩnh vực thủy sản có tỉ trọng chế biến sâu tốt nhất

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo báo cáo nhanh từ các Sở NN&PTNT và cập nhật của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, ngành hàng thủy sản có tỉ lệ sản phẩm chế biến sâu trong tổng sản lượng chế biến tốt nhất trong các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu.

Chiều 11/04, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì phiên họp lần thứ nhất – Ban Chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và phát triển thị trường. Tham dự còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo, đại diện một số Bộ ngành, Hiệp, Hội.

Toàn cảnh phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thị trường.

Trước đó, ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã ký quyết định số 4510/QĐ-BNN-TCCB thành lập Ban chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển thị trường (gọi tắt là Ban chỉ đạo), trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản trong lĩnh vực nông nghiệp và Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản do Bộ trưởng làm Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam làm Phó Trưởng Ban trực tiếp phụ trách, chỉ đạo cơ quan thường trực và các Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo để điều phối chung công việc của Ban chỉ đạo. Tổ công tác có 20 ủy viên là lãnh đạo các Cục, Vụ, Trung tâm trực thuộc Bộ, một số đại diện các Bộ, ngành, Hiệp Hội cũng được phân công tham gia làm thành viên Ban chỉ đạo. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp

Một số kết quả tích cực

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường báo cáo thực trạng và chỉ đạo công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường thời gian qua.

Các chỉ số thống kê cho thấy: Mức độ đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản đã được nâng cao đáng kể. Trong đó, quý I/2024, tỷ lệ các cơ sở đủ điều kiện về ATTP nông, lâm, thủy sản đạt 99,4%, tỷ lệ cơ sở ký cam kết đạt 92%, và tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu đạt 99,6%, hơn 2.510 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn được duy trì. Số lượng doanh nghiệp/cơ sở chế biến công nghiệp trong lĩnh vực thủy sản tăng từ 817 đơn vị vào năm 2017 lên 859 đơn vị vào năm 2022. 

Biểu đồ thống kê doanh nghiệp Thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào một số thị trường lớn

Ngành thủy sản có tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu trong tổng sản lượng chế biến cao nhất. Nhiều sản phẩm thủy sản đã có mặt tại một số thị trường lớn như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga… Công tác mở cửa thị trường tiếp tục được chú trọng và đến nay sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này là minh chứng cho sự cam kết và nỗ lực của chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng.

Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế

Theo Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc mở rộng thị trường do nguồn cung và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, vẫn còn cảnh báo và hàng bị trả về; sản phẩm chưa đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường; quy cách bao gói chưa phù hợp; giá thành sản phẩm còn cao; tỷ trọng sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu được nhận diện trên thị trường còn thấp; chi phí logistics còn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành.

Quy hoạch và tổ chức vùng nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường còn hạn chế xuất phát từ một số nguyên nhân như: Tỷ lệ thực hành sản xuất tốt còn thấp; còn lạm dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, Hệ thống giám sát thanh tra, xử lý vi phạm tại cấp cơ sở còn hạn chế, Trình độ công nghệ chế biến còn thấp ; công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém; Thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu tiêu dùng chưa kịp thời; Thiếu chính sách khuyến khích và quy định quản lý phù hợp cho phát triển hệ thống logistics trong nông nghiệp và xây dựng thương hiệu nông sản

Tại phiên họp, các đại biểu đã được nghe 8 ý kiến đến từ các Hiệp hội ngành hàng cùng nhìn nhận, chia sẻ một số khó khăn khi đưa các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam ra thế giới. Theo đó, vùng nguyên liệu hiện vẫn còn manh mún không kiểm soát được chất lượng số đông, tư duy hợp tác chia sẻ còn yếu, vấn đề kiểm soát ATTP chưa đồng bộ, đánh giá tiêu chuẩn xuất khẩu còn chưa tương thích phù hợp với thị trường nước ngoài,…

Về phía Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nêu ví dụ thực tế về trường hợp mạo danh thương hiệu sản phẩm của vùng. Đó là câu chuyện liên quan đến con ngao mà Hải quan Trung Quốc dừng nhập ở Việt Nam do vượt dư lượng chất kháng sinh nhưng bao bì lại đề xuất xứ Kiên Lương, Kiên Giang. Tuy nhiên, khi Thứ trưởng về địa phương kiểm tra thực tế lại không có sản phẩm này. Việc hải quan Trung Quốc không nhập ngao của Kiên Giang đã làm ảnh hưởng cả vùng nguyên liệu, gây bức xúc. Qua đây, Thứ trưởng đề nghị doanh nghiệp không mượn danh thương hiệu vùng đó. Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn các Hiệp hội và ngành hàng xây dựng kế hoạch vận động thành viên tham gia vùng nguyên liệu góp phần tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc và bảo vệ quyền lợi của thành viên trong Hiệp hội. Bộ NN&PTNT có thể hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho các thành viên Hiệp hội phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện quản lý chặt chẽ để đảm bảo vùng nguyên liệu đạt chuẩn, chất lượng cao.

Để giải quyết những vấn đề như đã nêu, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề xuất một số biện pháp cụ thể như: Hoàn thiện cơ chế và chính sách pháp luật như Đề án về logistics hay Nghị định về thương hiệu nông sản; khẩn trương có giải pháp khai thác hiệu quả các nhãn hiệu đã được chứng nhận, bảo hộ; Hoàn thiện quy hoạch và tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tổ chức phối hợp, cung cấp thông tin, tập huấn cho nông dân, cơ sở sản xuất phù hợp yêu cầu của thị trường và duy trì các bản tin thị trường; tọa đàm, diễn đàn, kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông lâm thủy sản; Áp dụng các mô hình điểm để đánh giá, chuyển giao gồm mô hình Ban/Tổ giám sát ATTP ở cấp xã và mô hình chuỗi giá trị ngành hàng gắn vùng nguyên liệu, hợp tác xã với hệ thống logistics.

Đa dạng hóa cách tiếp cận thị trường

Kết luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu ra thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay, đó là biến đổi khí hậu biến động thị trường, biến đổi xu hướng tiêu dùng thế giới. Chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thị trường càng ngày càng khắt khe hơn, chuẩn mực hơn. Nếu như trước đây quyền lực của người sản xuất cao hơn người tiêu dùng thì hiện nay mọi thứ đã thay đổi, thị trường liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm. Thị trường không chỉ là nơi người bán người mua mà còn là văn hóa tiêu dùng của mỗi quốc gia lãnh thổ, phân làm nhiều nhánh khác nhau, nếu chúng ta không hiểu hết thì không thể chiếm lĩnh được thị trường. Bộ trưởng nhấn mạnh: Phát triển thị trường còn có các công cụ tiếp cận như mạng xã hội là bước ngoặt lớn, cần phải tiếp cận nhiều chiều bằng mọi phương tiện thì mới đạt được hiệu quả cao. Phải gắn chặt hoạt động của Hiệp hội ngành hàng với các đơn vị chức năng.

Bộ trưởng cho biết: Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Khoa học Công nghệ hỗ trợ Bộ nắm được nhiều thông tin về thị trường, cung cấp thông tin cho Hiệp hội ngành hàng, cùng nhau thống nhất cách phát triển thị trường trong thời gian tới. Sức nóng của thị trường trên thế giới không đơn giản nằm ở việc sản phẩm đó ngon mà đòi hỏi trách nhiệm xã hội muốn đưa sản phẩm vào thị trường. Bên cạnh vấn đề chống khai thác IUU cũng là tín hiệu chỉ rõ thị trường càng ngày càng phức tạp, khó khăn hơn. Qua đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các Hiệp hội ngành hàng có tiếng nói trách nhiệm, là một thành phần tham gia vào thị trường vì hình ảnh đất nước và lợi ích dân tộc, góp phần nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!