Xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh. Số liệu của Hải quan, quý 1 chỉ đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Như thế, tính từ năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý 1 năm này đạt thấp nhất, giảm tỷ lệ lớn nhất. Cả ba mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm, và giảm nhiều nhất lại ở các thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản.
Có nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ ra là do Mỹ tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức cao, tỷ giá USD xu hướng mạnh lên so với một số đồng tiền khác như Euro đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường. Bên cạnh là sự cạnh tranh gay gắt và rào cản kỹ thuật, phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản. Đáng lo hơn là các dự báo cho quý 2, thậm chí đến cuối năm đều không sáng sủa.
Và dù xem xét ở khía cạnh nào thì thủy sản nước ta vẫn nổi lên điểm yếu cố hữu: sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc. Chuỗi giá trị sản phẩm vẫn tình trạng đứt gãy manh mún như nhiều năm trước của sự tự phát. Hơn thế nữa, chuỗi giá trị sản phẩm nhiều lúc chỉ được tranh nhau lựa “khúc ngon”, làm cho tình hình càng rối ren.
Cá tra duy nhất nước ta có mà bị đẩy tới khó khăn gay gắt hiện nay, cũng vì các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tranh nhau lựa “khúc ngon” ăn xổi. Thực trạng ngành cá tra thiếu quy hoạch, kế hoạch từ nuôi trồng có thể nhìn thấy ở địa phương có diện tích nuôi lớn nhất là tỉnh Đồng Tháp. Sau khi Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch nuôi cá tra vùng ĐBSCL, mới đây tỉnh Đồng Tháp rà soát thì thấy, cần xóa 669 ha ao nuôi cá tra không đáp ứng các tiêu chí quy hoạch, đồng thời bổ sung 1.227 ha ao nuôi. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đồng Tháp có diện tích mặt nước nuôi cá tra 2.000 ha (diện tích tự nhiên 3.334 ha), tập trung ở 3 huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành.
Hôm 8/4, tại Cần Thơ, diễn ra hội thảo “Thực phẩm công nghiệp và sự cần thiết của công nghệ chế biến cho ngành thủy sản Việt Nam” do Hiệp hội Cá tra Việt Nam phối hợp Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh, Việt Nam đang lãng phí nguồn lực trong lĩnh vực nuôi và khai thác cá tra. Còn ông Rosenberger, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Chế biến thực phẩm Nienstedt (Đức) cho biết, cá tra xuất khẩu fillet thô, giá chỉ dưới 5 USD/kg, còn qua chế biến bằng công nghệ hiện đại có thể bán giá gấp gần chục lần. Và ông Rosenberger giới thiệu một số công nghệ chế biến đáp ứng nhu cầu của người Đức.
Có thể thấy rất nhiều việc phải làm để xây dựng các chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đem lại lợi nhuận ổn định mà không bị kiện bán phá giá. Phải vượt qua nhiều trở ngại của một thực trạng manh mún. Tuy nhiên, niềm hy vọng cũng le lói khi khắp nơi đang cố gắng làm những việc cụ thể, chứ không chỉ nói như những năm trước. Trong đó, quản lý nhà nước với vai trò bà đỡ cũng đang được hy vọng có mặt từ đầu đến cuối chuỗi giá trị, không đỡ giữa chừng hoặc khâu đỡ khâu buông.