(TSVN) – Năm 2020, WWF công bố các hướng dẫn mới nhằm đảm bảo thực hành xã hội và môi trường tốt hơn trong chuỗi cung ứng tôm nuôi toàn cầu.
Kế hoạch chi tiết về chuỗi cung ứng tôm trong tương lai là một thách thức đối với các doanh nghiệp mua bán, sản xuất hoặc thu lợi từ tôm nuôi để đạt được những điều sau đây vào năm 2025: Đảm bảo truy xuất nguồn gốc của tôm nuôi và các thành phần thức ăn được sử dụng; không chuyển đổi các hệ sinh thái tự nhiên cấp sau năm 1999; giảm 30% việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để sản xuất cả tôm và thức ăn; đảm bảo quyền con người và quyền lao động trong toàn bộ chuỗi giá trị; yêu cầu báo cáo minh bạch để theo dõi tiến trình đạt được các mục tiêu này.
Ông Aaron McNevin, Phó Chủ tịch phụ trách NTTS của WWF cho biết: “Hiện đã đến lúc ngành công nghiệp chứng minh kết quả. Trong thời gian quá dài, chúng tôi đã trao trách nhiệm giải trình cho ngành thực phẩm trong chuỗi cung ứng, điều này đã dẫn đến việc phá hủy một số ít hệ sinh thái tự nhiên còn lại và thực phẩm được sản xuất bằng cưỡng bức lao động trẻ em; đây không thể là tương lai của thực phẩm và không nhất thiết phải như vậy. Ngành công nghiệp tôm nuôi có thể đang trên đỉnh của một sự chuyển đổi lớn. Thành công ở đây là cung cấp được bằng chứng về khái niệm hệ thống thực phẩm bền vững và có đạo đức”.
Ảnh minh họa
Trên toàn cầu, tôm là thủy sản được giao dịch có giá trị nhất tính theo khối lượng, chiếm 32 tỷ USD thương mại hàng năm. Theo WWF, việc thâm canh có kiểm soát mang lại cho ngành nuôi tôm tiềm năng hỗ trợ bền vững nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về protein động vật bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả hơn, tối đa hóa sản lượng và giảm đầu vào.
Theo báo cáo, WWF giải thích: “Mặc dù tôm nuôi được coi là một trong những mặt hàng hủy hoại môi trường nhiều nhất, tuy nhiên các tác nhân chính trong ngành gần đây đã đạt được tiến bộ trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề toàn ngành. Những thách thức và cơ hội đối với tôm nuôi là biểu tượng của nhiều mặt hàng thực phẩm. Do đó, việc chuyển đổi chuỗi cung ứng tôm mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp áp dụng các kiến thức đã học về cả nguyên tắc và thực tiễn vào các mặt hàng khác”.
Đầu tư vào tôm nuôi bền vững có thể giúp các công ty chứng tỏ khả năng lãnh đạo và tạo ra kết quả giúp thay đổi hướng đi tốt hơn trong tương lai. Giải quyết các vấn đề dai dẳng trong sản xuất tôm không chỉ tốt cho môi trường mà cũng là giải pháp thông minh cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, các công ty có cơ hội để thể hiện sự tiến bộ và hành động đối với các vấn đề được nêu trong bản kế hoạch chi tiết này. Các bước đi chủ động có thể giảm thiểu rủi ro cho các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung và thị trường đáng tin cậy cho tôm, tăng hiệu quả và cải thiện lợi nhuận trong dài hạn, tất cả đồng thời bảo vệ con người và hành tinh.
Đã đến lúc các doanh nghiệp ứng phó với điểm hạn chế quan trọng này bằng cách vượt qua các mục tiêu và cam kết hướng tới tiến độ và trách nhiệm giải trình. Một bước thay đổi để chứng minh và định lượng sản lượng tôm được cải thiện là yêu cầu ngay lập tức. Điều này có nghĩa là sản xuất tôm theo cách bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ hệ thống giảm thiểu khí hậu tự nhiên, đặc biệt là rừng ngập mặn và cải thiện điều kiện cho người lao động trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Linh Nguyễn
Theo Thefishsite