T2, 06/07/2020 10:49

“Lộc” của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là những chuyến ra khơi đầu năm trở về đầy ắp cá tôm. Với ngư dân vùng biển, cái “lộc” này còn mang lại nhiều hy vọng, hy vọng một năm mưa thuận gió hòa và những chuyến biển bội thu.

Ra khơi đón “lộc” mới

Để cho tàu chuẩn bị vươn khơi trong mùa biển mới 2014, ngay từ những ngày cuối tháng chạp Quý Tỵ, hàng trăm tàu cá của ngư dân đã tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh, ngư cụ và lương thực, thực phẩm.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) Võ Xuân Huyện cho biết, hàng ngàn ngư dân huyện đảo Lý Sơn đều mong trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió để tiếp tục vươn khơi.

Ngư dân phấn khởi đón “lộc biển” đầu năm – Ảnh: Trịnh Thu Nguyệt

Tại Nghệ An, từ Mùng 6 tết, ngày nào hai tàu cá NA2976 và NA2755 của anh Nguyễn Văn Tân (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) cũng ra khơi đánh bắt, chuyến biển nào cũng trúng. Đầu năm không chỉ được mùa mà còn được giá nên trừ mọi chi phí anh đã thu về trên 2 triệu đồng/chuyến. Anh Tân cho biết, năm nay có khả năng được mùa, cá được hơn năm ngoái nhiều, khoảng gấp 2 gấp 3.

Toàn huyện Diễn Châu hiện có hơn 1.400 phương tiện đánh bắt trên biển, chủ yếu tập trung ở 2 xã Diễn Ngọc và Diễn Bích. Từ ngày mùng 3 Tết, 100% tàu thuyền của ngư dân đã vượt sóng, vươn khơi. Những mẻ cá đầu tiên như món quà xuân biển ban tặng cho ngư dân cần cù, chịu khó. Chỉ tính riêng xã Diễn Ngọc, trong 5 ngày đầu đã khai thác được trên 400 tấn hải sản, xã Diễn Bích cũng đạt 300 tấn.

 

Cần nhiều sự hỗ trợ

Từ năm 2008 trở lại đây, khi cả nước triển khai thực hiện Chiến lược Biển với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ đã giúp ngư dân vươn ra khai thác khơi xa. Hiện, ngư dân vùng biển miền Trung đã có nhiều phương tiện công suất lớn có thể đánh bắt xa bờ.

Nhiều địa phương cũng đã triển khai các chính sách ưu đãi cho phát triển thủy sản, nhất là hỗ trợ ngư dân vươn khơi. Tiến sĩ Trần Đức Phú, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cho biết, việc mua bán cá ngừ đại dương cũng như hải sản sau khai thác trong thời gian qua vẫn chủ yếu tự phát. Vì thế, ngư dân dễ bị ép giá, nhất là khi lượng cá về nhiều, chưa kể nhiều ngư dân do thiếu vốn phải “tạm ứng” hay vay các chi phí ra khơi của chủ nậu, sau đó về bán cá trả nên thiệt đơn, thiệt kép. Mặt khác, sở dĩ cá giá thấp, dễ bị ép còn một phần do chất lượng cá ngừ, nhất là công đoạn bảo quản sau khai thác chưa đảm bảo. Chính vì vậy, ngư dân đang rất cần Nhà nước xây dựng chợ đấu giá cũng như quy định giá sàn, quan tâm đầu tư nghiên cứu tìm giải pháp cũng như hỗ trợ, thì mới có thể hy vọng về tương lai bền vững nghề cá ngừ đại dương.

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, để ổn định thị trường hải sản, giúp ngư dân tăng thu nhập, Hội Nghề cá tỉnh đang cùng UBND và Nghiệp đoàn Nghề cá các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), Tam Quang, Tam Hải (huyện Núi Thành) vận động, tuyên truyền các đại lý, đầu nậu mua hải sản liên kết chặt chẽ với ngư dân để ổn định về giá, chống ép giá. Đồng thời, phối hợp các nghiệp đoàn nghề cá, các địa phương ven biển, vận động, tuyên truyền, khớp nối với các đối tượng mua hải sản, để xây dựng các mối liên kết sản xuất – tiêu thụ – chế biến hải sản, nhằm ổn định giá cả và góp phần phát triển bền vững nghề đánh bắt hải sản tại địa phương.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!