Lời giải cho bài toán ngao giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Với 1 tỷ con giống được nuôi thành công trong năm 2010, trại sản xuất ngao giống của gia đình ông Nguyễn Văn Cửu đã cung ứng được tới 30% cho nhu cầu con giống trong vùng. Đây là một thành công mới của tổ hợp tác nuôi ngao bền vững ở Giao Xuân, Giao Thuỷ, Nam Định.

Bài toán khó

Xã Giao Xuân là một trong năm xã vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch xã cho biết: toàn xã có 10.000 người với khoảng 2.000 hộ, hoạt động sinh kế chủ yếu là khai thác và nuôi trồng thủy sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, don, hàu, vạng… Số hộ nuôi ngao chiếm tới 50% nhưng nguồn con giống cung cấp lại hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên.

Diện tích bãi thả toàn xã là 540ha, hàng năm, để phát triển nghề nuôi, các hộ gia đình phải mua ngao giống từ tự nhiên với giá cao, tiền thuê bãi nuôi hàng năm trong xã là 2 triệu/ha, các xã ngoài là 3 – 4 triệu/ha. Trung bình mỗi ha thả ngao thương phẩm có 2 người trông coi thường xuyên tại bãi. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do kinh phụ thuộc vào tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Cửu, thành viên của tổ hợp tác nuôi ngao bền vững cho biết: Gia đình ông mở trại sản xuất giống ngao từ tháng 11/2003. Trước khi có sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), gia đình ông thường tự mày mò làm ngao giống, tuy nhiên hiệu quả đạt được không cao do trình độ chuyên môn còn hạn chế. Số lượng con giống thấp và sức sống kém, không đáp ứng đủ nhu cầu.

 

Bãi nuôi ngao của Doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung                 Ảnh: Huy Hùng

Đi tìm lời giải

Dự án “Hỗ trợ cộng đồng nghèo ven biển Việt Nam tạo dựng sinh kế bền vững và bảo vệ môi trường” của Trung tâm MCD với mục tiêu xây dựng phương pháp làm ăn mới và thân thiện với môi trường đã mở ra một hướng đi mới cho bài toán ngao giống ở Giao Xuân. Chị Nguyễn HồngLan, trợ lý Ban Thủy sản Trung tâm MCD cho biết: những thành viên trong tổ hợp tác là những người có uy tín ở địa phương, đã tham gia và có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi ngao. Con ngao là loài thân thiện với môi trường và có giá trị kinh tế cao nên Trung tâm MCD đã lựa chọn để làm loài phát triển chủ đạo cho dự án.

Trước khi thực hiện mô hình, các cá nhân trong tổ hợp tác hoạt động theo kinh nghiệm của bản thân, đơn lẻ và manh mún. Phương pháp nuôi ngao trước đây là tận dụng hết tất cả các khoảng đất, nên khoảng cách giữa các vây là 0,3–0,4m, khoảng cách giữa các lạch nhỏ hơn 4m, diện tích giữa các vây thường nhỏ hơn 0,5ha, có nơi chỉ có 0,1 – 0,2 ha. Ngao là loài ăn lọc, thức ăn phụ thuộc vào nguồn nước thủy triều nên khi khoảng cách trong bãi nuôi quá hẹp, nước không thể lưu thông, gây ứ đọng, ô nhiễm thì tỷ lệ ngao chết là rất lớn. Mật độ nuôi quá dày (10.000con/m2) nên lượng con giống rất nhỏ (60 –120 vạn con/kg) và sức sống kém.

Trung tâm MCD đã phối hợp với hai chuyên gia Hà Đức Thắng và Nguyễn Văn Khánh thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I tập huấn và cùng với người dân lập sổ tay “Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao giống”, xây dựng một hướng nuôi trồng phù hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng con giống. Trung tâm cũng xây dựng mô hình trìnhdiễn để người dân học tập theo, cải thiện phương pháp nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn và thân thiện hơn với môi trường.

 

“Thay  kỹ thuật, đổi cuộc đời”

Tổ hợp tác nuôi ngao bền vững được thành lập vào ngày 26/2/2009 gồm 4 thành viên chính thức và 8 thành viên không chính thức. Tổ hợp tác được xây dựng theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác, được sự tham vấn của các cấp chính quyền địa phương và xác nhận của UBND xã Giao Xuân. Tổ hợp tác được xây dựng trên diện tích 4ha, nằm liền kề nhau.

Tổ hợp tác và trung tâm cũng xây dựng quy ước “Cộng đồng thực hiện khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững” với các quy định về mật độ nuôi thả ngao phù hợp với từng giai đoạn phát triển như: Từ ngao cám đến ngao tấm là 5.000con/m2, từ ngao tấm đến ngao dắt là 2.000 con/m2, từ ngao dắt đến ngao cúc là 1.000con/m2, từ ngao cúc đến ngao thương phẩm là dưới 400 con/m2. Thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh cho bãi nuôi thả, tăng cường nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, mà bắt đầu là những thành viên trong tổ.

Ông Cửu hào hứng: Với sự tư vấn thường xuyên của trung tâm, trại nuôi ngao giống của ông đã đạt được những thành quả bước đầu rất khả quan. Năm nay, với số lượng con giống sản xuất thành công là 1 tỷ con, gấp 5 lần so với năm 2009, trại của ông đã cung ứng đủ nhu cầu con giống cho khoảng 400ha nuôi ngao thương phẩm. Phương pháp nuôi mới đã rút ngắn được thời gian nuôi ngao giống đến 1,5 lần. Tuy cải tạo lại đầm nuôi, diện tích nuôi ngao có giảm đi, song sản lượng ngao lại tăng lên do tỷ lệ sống của con giống tăng cao và đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

>> Nơi sản xuất ngao giống được xây dựng lại theo tiêu chuẩn đúng về kỹ thuật như: Khoảng cách giữa các vây là 2m, giữa các lạch là 12 – 15m, diện tích của các vây nuôi từ 0,5ha trở lên với mật độ nuôi là 5000con/m2. Lượng nước được lưu thông liên tục, mặt bằng thông thoáng và ổn định dòng chảy, cung cấp thức ăn thường xuyên cho ngao. Tỷ lệ ngao sống cao hơn, lượng con giống quy định đạt chuẩn là 60 vạn con/kg.

 

Phong Nhân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!