THỨ HAI, ngày 5/5/2025

Lợi ích kép từ mô hình nuôi xen ghép thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc kết hợp nuôi nhiều loài thủy sản trong cùng một ao nuôi không chỉ tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên mà còn giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và chi phí sản xuất, từ đó vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình này đã và đang được nhiều chủ ao đầm tại Hà Tĩnh áp dụng, thay thế cho mô hình nuôi chuyên canh tôm, cá có chi phí đầu tư và rủi ro cao.

Từ đơn canh đến đa loài – Thay đổi để thích nghi.

Là một trong những hộ dân đầu tiên áp dụng mô hình nuôi xen ghép tại vùng nuôi thủy sản mặn lợ được quy hoạch ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián, mỗi năm trên diện tích 0,5 ha ao hồ được thả nuôi gồm cả cua và tôm của ông Trần Hữu Phúc cho lãi 35-40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. So với trước đây, chỉ nuôi độc canh con tôm, có năm gia đình ông trắng tay do tôm bị dịch bệnh thì từ khi chuyển sang nuôi xen ghép, năm nào ông Phúc cũng đều có lãi. 

Ông Phúc chia sẻ: Trước đây tôi chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng, năm nào dịch bệnh là trắng tay. Từ khi chuyển sang nuôi xen ghép, môi trường ao sạch hơn, tôm khỏe mạnh, lại có thu nhập thêm từ cua. Mặt khác, môi trường chỉ nuôi con tôm dễ gây ô nhiễm nên từ khi thay đổi cách làm đã giúp tôi và nhiều hộ dân ở đây bám trụ được ao đầm để phát triển kinh tế.

Ông Trần Hữu Phúc phấn khởi vì từ khi chuyển sang nuôi xen ghép, gia đình ông đều có thu nhập ổn định và không lo lắng dịch bệnh xảy ra. 

Trước hiệu quả kinh tế đem lại, đến nay, trên toàn bộ 3ha ao đầm từng nuôi chuyên canh tôm thường xuyên bị dịch bệnh tại vùng nuôi thủy sản thôn Đại Đồng (xã Cương gián) đã được người dân chuyển sang nuôi xen ghép các đối tượng như cua, tôm, cá đối mục, mỗi năm đem lại thu nhập từ 70-100 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng ven biển và hạn chế diện tích ao đầm bị bỏ hoang. Đặc biệt, đối với những hộ nghèo mô hình nuôi thủy sản xen ghép đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, góp phần giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo. 

Nuôi xen ghép đang là một giải pháp phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của các hộ nuôi. Mặc dù nuôi chuyên canh tôm có thể mang lại thu nhập cũng như lãi ròng gấp đôi so với nuôi xen ghép, nhưng sẽ gặp rủi ro cao và ít bền vững. Nhất là với những hộ dân hạn chế về tài chính, không có khả năng đầu tư áp dụng công nghệ cao. 

Thực tế cho thấy, khi áp dụng  phương thức nuôi xen ghép, hầu như người nuôi không lo về vấn đề dịch bệnh, ngược lại môi trường nuôi ngày càng được cải thiện. Tại Hà Tĩnh,  thời gian qua, mô hình này cũng đã được các cơ quan chuyên môn tuyên truyền vận động khuyến khích triển khai và đem lại hiệu quả rõ rệt. 

Năm 2024, ông Trương Thế Cương ở xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh là hộ dân được Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh lựa chọn triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua biển, cá đối mục trên diện tích 1ha. Sau năm đầu tiên triển khai, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh mà vấn đề môi trường ao nuôi được cải thiện rõ rệt.

Ông Cương chia sẻ: Với mô hình này, mật độ giống thả ban đầu là tôm sú 10 con/m2, cá đối mục 0,5 con/m2, cua 0,5 con/m2, sau thời gian gần 6 tháng, tỷ lệ sống của các loài đều cao (đạt trên 70%). Về trong lượng, tôm sú đạt đạt 25 – 35 con/kg, năng suất 1,4 tấn/ha; cá đối mục đạt 2,5 – 3 con/kg, năng suất 1,8 tấn/ha; cua biển đạt 2,5 – 3 con/kg, năng suất gần 500 kg. Điều đáng nói, mô hình có chi phí đầu tư không lớn (gần 500 triệu đồng/ha), sau khi thu hoạch, cho thu lãi hơn 250 triệu đồng/ha/vụ. Tôi rất phấn khởi vì tìm được hướng phát triển mới hiệu quả hơn thay vì ao đầm bị dịch bệnh và thu nhập bấp bênh như trước kia.

Cá đối mục, một trong những đối tượng thủy sản được lựa chọn nuôi xen ghép với tôm, cua đem lại hiệu quả kinh tế cao

Hướng đến phát triển bền vững

Thông qua mô hình cũng giúp ông Cương cũng như nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn hiểu thêm về ý nghĩa của phương thức nuôi xen ghép này. Đó là  việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau đã tận dụng hết thức ăn từ tầng mặt, tầng giữa đến tầng đáy, hạn chế sử dụng các loại thuốc xử lý môi trường. Đặc biệt, cá đối mục phân bố rộng rãi trong nhiều loại thủy vực, chủ yếu ăn thức ăn thừa của tôm và cua, ăn rong rêu, ăn các loài động vật tầng đáy. Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn thức ăn dư thừa dưới đáy ao, quản lý tốt, phục hồi môi trường các vùng nuôi thấp triều, thường xuyên bị dịch bệnh tấn công, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất bền vững. Một ưu điểm nữa của hình thức nuôi xen ghép đó là thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 – 3 tháng, giúp người nuôi có thu nhập ổn định.

Để khẳng định được hiệu quả đem lại và làm cơ sở nhân rộng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận cách làm này, năm 2025, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh tiếp tục triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú và cá rô phi đơn tính trên diện tích 8.000m2 ao lót bạt tại hộ ông Nguyễn Văn Hương (TDP Quyết Tiến, phường Đồng Môn). 

Mới đây, mô hình đã được triển khai thả giống với mật độ tôm sú 15 con/m2, kích cỡ 2,5 cm/con, ương riêng trước khi thả vào ao nuôi xen ghép để đảm bảo tỷ lệ sống; cá rô phi đơn tính mật độ 0,8 con/m2, kích cỡ 4-5 cm/con.

Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TP Hà Tĩnh vừa triển khai thả giống mô hình nuôi xen ghép tôm sú và cá rô phi đơn tính trong ao lót bạt tại phường Đồng Môn.

Được biết, tại thành phố Hà Tĩnh, hiện đang có nhiều diện tích ao đầm được người dân ở các vùng nuôi thuộc phường Thạch Hưng, Thạch Hạ, Đồng Môn đã có kinh nghiệm nuôi xen ghép một số đối tượng tôm, cua, cá chim vây vàng, cá chẽm… nhưng ở mức đầu tư thấp, thiếu kỹ thuật nên thường xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không cao.

Trước thực trạng này, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh đã đẩy mạnh việc áp dụng các hình thức nuôi mới như nuôi xen ghép trong ao lót bạt, ứng dụng công nghệ hữu cơ; đa dạng đối tượng nuôi; tăng cường phổ biến kỹ thuật… để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, ổn định hoạt động nuôi trồng cũng như giảm ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, 

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, việc nuôi đa loài giúp cân bằng hệ sinh thái trong ao, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí xử lý nước và thuốc kháng sinh. Đây là một trong những giải pháp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm ngày càng ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, các ngành chuyên môn sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền nhân rộng mô hình này tại một số vùng nuôi tôm hay xảy ra dịch bệnh, kém hiệu quả trên địa bàn.

Ngoài ra, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các địa phương cũng cần quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền và có kế hoạch cụ thể để nhân rộng những mô hình nuôi luân canh, xen ghép các đối tượng mới như: cá đối mục, cá dìa, cua xanh với tôm để tạo sản phẩm nuôi đa dạng, có chất lượng và giá trị. Từ đó, dần hình thành vùng nuôi xen ghép theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hướng đến phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững.

Nguyễn Hoàn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!