Lợi ích thiết thực từ Aquaponics

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Aquaponics là sự kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh rau sạch. Hệ thống nuôi trồng này được thực hiện trong môi trường tự nhiên khép kín với sự tham gia của các hệ sinh vật. Đặc biệt, mô hình này còn được đánh giá là rất tiêu biểu trong phát triển nông nghiệp đô thị.

Nhu cầu nguồn thực phẩm xanh, sạch

Theo nhiều nghiên cứu, hiện nay tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra quá nhanh với sự gia tăng về dân số, quá tải hạ tầng, khói bụi từ khí thải tại các thành phố, các khu công nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn ô nhiễm môi trường và sự thiếu hụt về cây xanh, cũng như thực phẩm sạch. Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm các giải pháp để cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 

Một trong những giải pháp tiềm năng chính là phát triển nông nghiệp đô thị xanh – mô hình sản xuất kết hợp với bảo vệ môi trường sống đô thị. Và một trong những mô hình tiêu biểu đó là kết hợp trồng rau thủy canh hữu cơ và nuôi cá trong một hệ thống tuần hoàn khép kín, khi đó chất thải của cá được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng cho cây, và rễ cây giúp lọc sạch nước trả lại cho bể cá.

Aquaponics là mô hình tiêu biểu cho nông nghiệp đô thị và đang dần được ứng dụng rộng rãi; Ảnh: Keywordbasket

Aquaponics là mô hình trồng rau nuôi cá kết hợp. Nhờ tận dụng các lợi ích cộng sinh của cá, vi khuẩn, rau trồng kết hợp với nhau. Mô hình Aquaponics ở Việt Nam đã được nghiên cứu và áp dụng từ 10 năm nay. So với các hình thức canh tác khác thì mô hình đã thể hiện những ưu điểm vượt trội như: Không cần chăm sóc, hệ thống tự động hoàn toàn; Không cần kiến thức về nông nghiệp; Tốc độ phát triển của rau rất nhanh, năng suất cao và rất kinh tế; Trồng được hầu hết các loại rau; Phương thức gieo trồng đơn giản, thuận tiện ai cũng có thể làm được; Vừa có rau vừa có cá nuôi thư giãn sau những ngày làm việc; Tiết kiệm không gian, diện tích, sạch sẽ an toàn. Dễ dàng trồng được trên sân thượng, ngoài ban công nhà phố.

Mô hình này cũng được phát triển mạnh mẽ tại các nước như Israel, Nhật bản, Mỹ, Australia… Trong đó được các viện nghiên cứu tại Nhật Bản phát triển thành các mô hình trồng rau sạch trong trang trại quy mô lớn và cả những mô hình trồng rau sạch trong nhà sử dụng đèn Led. Tại các nước phát triển còn chế tạo các loại thiết bị đo lường cảnh báo để cân bằng hệ vi sinh, nồng độ pH một cách tự động. Đây sẽ là mô hình trồng rau sạch hiện đại phù hợp trong tương lai. Bởi nó không gây ô nhiễm môi trường, nhất là khi chúng ta phải đối mặt với những biến đổi khí hậu, sự nóng lên do hiệu ứng nhà kính.

Hệ sinh thái tuần hoàn khép kín

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Mega ở TP Hồ Chí Minh, Aquaponic là mô hình kết hợp giữa trồng cây thủy canh (hydroponics) và nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS) theo nguyên lý, chất thải trong quá trình nuôi cá (chất hữu cơ: thức ăn thừa, phân cá…) qua hệ thống vi sinh vật sẽ được chuyển hóa thành các chất vô cơ là dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng. Đây là mô hình khép kín, tuần hoàn tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường. Aquaponic là nông nghiệp tuần hoàn không xả thải, không gây ô nhiễm môi trường đặt biệt là môi trường đô thị. Toàn bộ chất thải của nuôi thủy sản là dinh dưỡng và là đầu vào cho việc trồng cây.

Ngoài ra, diện tích sản xuất nhỏ 5 m2 là có thể triển khai 1 mô hình phù hợp với đô thị đất sản xuất nhỏ. Song năng suất lại cao, cá có thể đạt năng suất 80 kg/m3/vụ nuôi, rau có thể đạt 2,5 kg/m2/tháng.

Đặc biệt, theo lý giải của ông Thạnh hệ thống Aquaponics không đòi hỏi người giám sát và vận hành có trình độ kỹ thuật cao so với phương pháp nuôi cá tuần hoàn nước và trồng rau thủy canh. Khi vận hành hệ thống, công việc chính cần phải làm chỉ là cho cá ăn, thu hoạch rau, bổ sung nguồn rau mới (cây con) vào. Thời gian vận hành ít hơn nhiều, tận dụng tốt thời gian nhàn rỗi của bà con nông dân.

Được biết, Công ty MEGA đã triển khai ứng dụng Aquaponics nước mặn được trên 2 năm và các đối tượng đã nuôi thực nghiệm: ốc hương, cua biển, cá nâu… và đặc biệt đang ươm, nuôi và dưỡng mực lá trong hệ thống Aquaponic. Từ những thành công này, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ Aquaponics nước mặn để nuôi và trống mực lá sống để cung cấp cho các nhà hàng, bếp ăn tại TP Hồ Chí Minh.

Trang trại Tomochan Farm (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) của gia đình chị Huỳnh Thị Tú Thuyết và anh Đặng Đức Hiếu là một trong vài mô hình aquaponics gây ấn tượng hiện nay.

Theo chia sẻ của thị Thuyết, trong mô hình này, cá và rau sẽ được nuôi trồng trong cùng một hệ tuần hoàn. Cá ăn thức ăn và tạo ra chất thải trong nước. Nước có chứa chất thải từ bể thủy sản được đưa vào hệ thống lọc cơ học và vi sinh. Sự tham gia của vi khuẩn có lợi sẽ biến đổi nước thải từ bể thủy sản thành chất dinh dưỡng hữu cơ, phù hợp cho cây trồng phát triển. Sau đó, nước được dẫn vào các bể trồng rau. Rau hấp thụ dưỡng chất trong nước rồi lọc sạch nước và cung cấp ngược trở lại cho bể cá. 

Chị Thuyết cho biết, hệ thống aquaponics được duy trì nhờ vào các yếu tố chính: Cá, vi sinh vật, cây trồng, nước, không khí, ánh sáng, thức ăn cho cá và năng lượng điện. Trong đó, nước từ hệ thống nuôi thủy sản được đưa vào hệ thống thủy canh. Ở đấy, sản phẩm phụ sẽ bị vi khuẩn nitrat hóa phân hủy thành các nitrat và nitrit – là những dưỡng chất được cây trồng hấp thụ. Sau đó, nước được lưu thông trở lại hệ thống nuôi thủy sản. Trồng bằng phương pháp này, rau phát triển tự nhiên và bảo đảm sạch.

Hiện tại, Tomochan Farm trồng trên 20 loại rau cải như: cải xoăn, cải bó xôi, xà lách xoăn… và các loại rau gia vị: tía tô Nhật Bản, húng quế, tai vị, oải hương, bạc hà, lá é; ngoài ra còn có rau muống, cần tây… Và nuôi một số loại cá làm cảnh như chép Koi, cá dĩa… Nhưng, nguồn thu nhập chính của trang trại lại là lươn, với mỗi ký được bán giá 250.000 đồng. Lươn ở đây được cho ăn theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu, đủ dinh dưỡng, không có kháng sinh. Được biết, sắp tới trang trại Tomochan Farm sẽ phát triển thêm giống lươn, cá; ngoài phục vụ thị trường trong nước sẽ xuất khẩu.

TS Hồ Thanh Huy cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thực hiện Dự ánHoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình Aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn nước và trồng rau sạch tiết kiệm nước ở ĐBSCL”, với mục tiêu hoàn thiện quy trình Aquaponics quy mô thương mại, triển khai nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích canh tác. 

Vân Anh

Theo ông Trần Trọng Tuyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, Aquaponics tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Vì vậy, mô hình này mang lại lợi ích thiết thực là tiết kiệm tối đa về không gian, thời gian, chi phí vận hành; đồng thời thu được 2 nguồn sản phẩm sạch là rau xanh và cá cũng như các loại thủy sản khác.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!