Long An: Chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành NTTS tỉnh Long An đang ngày một phát triển về cả diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, người nuôi cần chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản từ khâu chọn con giống đến chăm sóc và thu hoạch.

Diện tích và sản lượng NTTS của tỉnh Long An liên tục tăng trong những năm gần đây, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. Đối với tôm nước lợ, hiện nay, tổng diện tích thả nuôi toàn tỉnh là 3.752,4 ha (tôm sú 360 ha, TTCT 3.392,4 ha), bằng 53% kế hoạch (7.080 ha), bằng 102,4% so cùng kỳ 2020. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng diện tích thiệt hại trên tôm là 224,52 ha, bằng 6% so với diện tích thả nuôi và bằng 61,2% so cùng kỳ (trong đó, thiệt hại thu hoạch sớm 181,4 ha, chiếm 4,8% và mất trắng 43,12 ha, chiếm 1,2% so với diện tích thả nuôi). 

Theo đánh giá của các ngành chức năng, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều và nhiệt độ môi trường ao nuôi chênh lệch lớn, thay đổi đột ngột khiến tôm hay bị sốc nhiệt hoặc ô nhiễm nguồn nước, làm cho sức đề kháng của tôm giảm, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập.

Đối với thủy sản nước ngọt, tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh như Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa,… số lượng cá thương phẩm được nuôi trong các bè, vèo, lồng và ao nuôi rất lớn. Vì vậy mà tình trạng dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra.

Cụ thể, huyện Vĩnh Hưng có số lượng bè, vèo nuôi cá lớn và những năm qua cũng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên thủy sản. Các loại dịch bệnh chủ yếu như lở loét, nấm da, đốm đỏ thường xuyên xảy ra trên cá nuôi. Hơn 1 năm trở lại đây, các dịch bệnh này đã giảm đáng kể, việc nuôi cá của người dân cũng có nhiều thuận lợi hơn.

Hiện, trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng có 151 bè, vèo nuôi cá thương phẩm, chủ yếu là các loại cá lóc, cá trê,… năng suất bình quân đạt 960 kg/bè, vèo, giá bán dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân từ 15 – 20 triệu đồng/bè, vèo. Ngoài ra, toàn huyện còn có 377,2 ha ao nuôi tôm càng xanh, cá tra, cá lóc thương phẩm.

Những năm qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An luôn chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận thức được tác hại của dịch bệnh thủy sản và chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh. 

Đồng thời, vận động, tuyên truyền các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn chủ động khai báo khi có thủy sản bị chết nhiều, không vứt xác thủy sản và xả nước từ ao nuôi bị bệnh chưa xử lý ra môi trường; cải tạo, quản lý ao nuôi, sát trùng các dụng cụ trước và sau khi sử dụng; sử dụng thuốc thú y và chế phẩm sinh học để xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Bình An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!