Long An: Hiệu quả những mô hình khuyến ngư

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho người dân, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An và các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn, đa dạng hóa các loại thủy sản nuôi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển NTTS theo hướng bền vững.

Nuôi cá trê vàng trong ao đất

Với nguồn kinh phí từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An, hộ tham gia thực hiện mô hình tại huyện Đức Huệ được hỗ trợ 50% chi phí con giống tương đương với 7.500 con, 50% thức ăn tương ứng với 575 kg thức ăn công nghiệp dạng viên, còn lại vốn đối ứng đóng góp của người dân, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của các nhân viên kỹ thuật tại Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An và huyện Đức Huệ.

Hộ tham gia mô hình đã tiến hành thả nuôi trình diễn trên tổng diện tích 700 m2 với mật độ  6 con/m2, độ sâu mực nước 1,2 – 1,5 m. Sau 5 tháng nuôi, hiện tại trọng lượng cá đạt 500 – 600 g/con. Sau 5 tháng nuôi chủ hộ đã thu hoạch cá trê vàng năng suất đạt 6 tấn /ha, tỷ lệ sống ước đạt 96%; ước tính lãi trung bình 40 – 45 triệu đồng/mô hình. Giá thương phẩm cá trê vàng luôn ổn định 40.000 – 45.000 đồng/kg, không biến động nhiều và có đầu ra ổn định thông qua HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây xuất bán đi khu vực miền Tây, miền Trung, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia.

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Huệ  và UBND xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn “Nuôi cá trê vàng trong ao đất” tại nhà ông Lê Văn Thông, ấp Voi, xã Mỹ Thạnh Tây.

Nuôi lươn không bùn

Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Thạnh Hóa đã triển khai, thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn tại 3 hộ dân. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí mua con giống và được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn các quy trình nuôi, cách phòng trị bệnh, kỹ thuật chăm sóc lươn. Theo đó, mỗi hộ thả nuôi 3.000 con lươn giống, với mật độ nuôi 200 con/m2.

Hiệu quả mô hình nuôi lươn không bùn được nhiều địa phương nhân rộng

Qua đánh giá mô hình, lươn phát triển tốt, dễ chăm sóc, ít bệnh, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Đặc biệt, nông dân có thể tận dụng hệ thống túi ủ biogas của việc nuôi heo trước đây để xử lý chất thải, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu, 6.000 con lươn giống của 2 hộ trong mô hình nuôi lươn không bùn mang về lợi nhuận trên 63 triệu đồng.

Được biết, nguồn thức ăn chủ yếu của lươn là thức ăn công nghiệp, dạng viên hỗn hợp. Sau khi lươn đạt trọng lượng khoảng 100g có thể trộn thêm các loại ốc, cá tạp… cùng thức ăn hỗn hợp để giảm chi phí. Mặt khác, người nuôi cần bổ sung thêm Vitamin C, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho lươn phát triển tốt. Sau khi thả nuôi từ 10 – 11 tháng, lươn thương phẩm đạt khoảng 200 g/con thì thu hoạch, có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ tùy theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Nuôi ếch trong bể xi măng

Cuối năm 2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Huệ thực hiện mô hình trình diễn nuôi ếch trong bể xi măng tại nhà ông Phạm Minh Tạo, ấp 2, xã Bình Thành. Tổng lượng ếch giống được thả nuôi ban đầu là 4.000 con (cỡ 5 – 10 g/con) trên diện tích bể là 48 m2. Trong quá trình nuôi, khi ếch lớn sẽ tiến hành phân cỡ (sau 1 tháng nuôi) và tách riêng sang bể khác để tránh hiện tượng ếch ăn nhau.

Sau 3 tháng nuôi, hộ ông Tạo đã thu hoạch 2,8 tấn ếch thương phẩm với cỡ 3 – 4 con/kg. Giá bán thương lái thời điểm đó là 36.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, hộ ông lãi trên 24 triệu đồng. Cũng theo ông Tạo, nuôi ếch ít tốn thức ăn, chăm sóc đơn giản, nhưng lợi nhuận cao, nên chọn giống ếch cùng lứa, có kích thước đồng đều và chỉ cần lưu ý một số bệnh thường gặp như bệnh đường ruột, bệnh chướng hơi; vì vậy phải phòng bệnh kịp thời bằng cách xử lý nước thường xuyên mỗi ngày, không để nước quá bẩn, định kỳ bổ sung thêm Vitamin C, men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức khỏe hạn chế dịch bệnh và tiêu hóa tốt thức ăn và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Tổng chi phí đầu tư cho mô hình này là 36.400.000 đồng, trong đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Long An hỗ trợ 50% chi phí gồm: con giống, thức ăn và hóa chất, chế phẩm sinh học tương ứng là 18.200.000 đồng. Phần còn lại do hộ nuôi tự đối ứng. Trong suốt quá trình nuôi, hộ nuôi luôn nhận được sự hỗ trợ từ địa phương và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Huệ thông qua việc thường xuyên cử nhân viên kỹ thuật theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn những biện pháp xử lý giúp hộ nuôi thành công.

Ông Bùi Văn Tín, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Đức Huệ, người trực tiếp theo dõi mô hình cũng cho biết, để nuôi ếch trong bể xi măng thành công, ngoài việc cho ăn và thay nước, người nuôi cũng cần phân cỡ ếch lớn, nhỏ tương đối đồng đều nhau, để tránh hiện tượng con lớn ăn thịt con nhỏ, sẽ giảm được tỷ lệ hao hụt đáng kể.

Đây là mô hình có nhiều ưu điểm như: tận dụng được diện tích đất sẵn có, hạn chế mầm bệnh, dễ chăm sóc, quản lý và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương… Mô hình này đã giúp nhiều nông hộ có được nguồn thu nhập ổn định và cần được nhân rộng trong thời gian tới.

>> Từ những hiệu quả các mô hình trình diễn mang lại, người dân Long An đã có thêm sự lựa chọn mô hình nuôi thủy sản phù hợp, tận dụng tối đa diện tích mặt nước nhỏ sẵn có của gia đình để nâng cao thu nhập cho nông hộ.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!