T2, 06/07/2020 10:32

Long đong nghề khai thác

Chưa có đánh giá về bài viết

Dầu diesel liên tục tăng giá, nhất là từ tháng 6 đến nay. Chi phí đánh bắt của ngư dân theo đó bị đội lên, nhiều tàu cá hoạt động cầm chừng hoặc tìm ngư trường xa.

Buộc phải cầm chừng

Ông Trần Quang Vệ – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết: Từ đầu năm đến nay nhiều lần xăng dầu tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp đời sống và tình hình khai thác của ngư dân. Toàn xã Quỳnh Long có gần 1.100 người tham gia khai thác ngoài khơi với tổng số 175 phương tiện; trong đó 90 phương tiện khai thác vùng khơi, còn lại khai thác ven bờ. Tổng sản lượng ước đạt 4.285 tấn, đạt 56% kế hoạch năm. Giá xăng và dầu diesel tăng khiến ngư dân tìm ngư trường xa 150 – 200 hải lý, tìm trữ lượng mới, bù lại chi phí. Trung bình một chuyến đi 3 – 5 ngày trong ngư trường 100 – 120 hải lý, với chi phí 40 – 45 triệu đồng; nay giá xăng dầu tăng khiến chi phí thành 45 – 55 triệu đồng; vì vậy phải tìm cách khai thác thêm, không thì không trụ nổi.

Tại Thừa Thiên – Huế, thời điểm này gần 2.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên biển; trong đó 215 tàu xa bờ với công suất 90 CV trở lên. Xăng dầu tăng giá khiến ngư dân ra khơi cầm chừng.

Tại Nghệ An với hơn 4.000 tàu cá, trong đó trên 1.060 tàu loại 90 CV trở lên, nhưng đến 20% tàu đang nằm bờ “nghe ngóng”. Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Nghệ An cho biết: Trước kia mỗi đợt đi biển 15 – 20 ngày, nay rút xuống chỉ còn 5 – 7 ngày.

 

Hỗ trợ không kịp

Tại xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thực hiện chủ trương hỗ trợ ngư dân ra khơi thời “bão giá”, những chính sách hỗ trợ như đóng thuyền mới 40 – 48 triệu đồng trong 3 năm, hỗ trợ chuyển đổi nghề mới với 80 – 90 triệu đồng/dự án… được triển khai. Ông Vệ cho biết: Những hỗ trợ trực tiếp về giá xăng chưa được triển khai. Trong tình hình này, ngư dân tự tìm cách khai thác mới hoặc chung tay hỗ trợ san sẻ khó khăn.

Theo ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, từ năm 2011 đến nay, ngư dân trong tỉnh đã được hỗ trợ 135 tỷ đồng cho 650 tàu cá; tuy nhiên, ngư dân vẫn tự tìm cách tháo gỡ là chính, với những biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, như chọn ngư trường khai thác hợp lý, hợp tác cùng ra khơi, chuyển đổi nghề mới (thay kéo lưới rê bằng lưới vây)… Ông nhấn mạnh: Điển hình như huyện đảo Lý Sơn, 70% số dân sống bằng nghề biển, với 411 tàu thuyền, tổng công suất 36.434 CV, trong đó 120 tàu đánh bắt xa bờ. Xăng dầu tăng giá, ngư dân không lo sao được!

Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản – Đào Hồng Đức cho biết, lượng tàu thuyền cả nước đã lên đến 126.234 chiếc; chỉ riêng miền Trung đã có trên 50 vạn thuyền viên bám biển. Những năm qua, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân (như cho vay đóng mới và cải hoán tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ, hỗ trợ ngư dân gặp nạn và hỗ trợ xăng dầu cho tàu đánh cá…); Cục cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi, rà soát ảnh hưởng việc tăng giá dầu đến hoạt động khai thác của ngư dân; rà soát số tàu nằm bờ, tàu công suất ra sao để Cục đề xuất giải pháp, kịp thời tháo gỡ cho ngư dân.

>> Từ giữa tháng 7, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng thêm gần 500 đồng/lít đối với xăng, dầu. Xăng A92 giá mới 24.570 đồng/lít; dầu diesel tăng lên 22.310 đồng/lít; dầu hỏa 22.020 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ tư kể từ đầu năm và là lần tăng thứ ba liên tiếp trong tháng 7.

Hương Ly

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!