Lòng sông Vạn Củi bị lấn chiếm: Tàu thuyền thiếu nơi neo đậu

Chưa có đánh giá về bài viết

Khu vực cảng cá Tiên Châu là nơi neo đậu tránh trú bão cho khoảng 1.000 tàu thuyền của ngư dân 2 xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và một số địa phương khác của huyện Tuy An. Thế nhưng hiện nay nhiều hộ dân đã lấn chiếm khu vực neo đậu tàu thuyền để nuôi thủy sản và xây dựng nhà ở trái phép, trong khi đó luồng lạch cho tàu thuyền ra vào cảng bị cát bồi lấp càng gây khó khăn cho ngư dân.

Luồng lạch bị lấn chiếm 

 

Theo Phòng TN-MT huyện Tuy An, tại khu vực sông Vạn Củi nằm bên cạnh cảng cá Tiên Châu, qua kiểm tra, đã phát hiện 18 trường hợp lấn chiếm dòng sông để xây dựng nhà ở và hồ nuôi thủy sản trái phép. Trong số đó có 7 trường hợp xây bờ đá để bảo vệ đất vườn và đất ở, lấn dòng chảy trung bình từ 7m đến 10m, diện tích lấn chiếm khoảng 700m2. Các trường hợp còn lại lấn dòng chảy từ 4m đến 60m để làm hồ nuôi tôm trái phép với diện tích khoảng 17.000m2. Lòng sông Vạn Củi hiện nay có chiều rộng trung bình 88m (nơi hẹp nhất là 36m, nơi rộng nhất là 140m), độ sâu giữa dòng lúc triều cường khoảng 2,5m nhưng lúc triều kiệt chỉ còn khoảng 1m nên không đảm bảo tàu thuyền ra vào và dễ mắc cạn. Để tàu thuyền có thể dễ dàng ra vào cảng lúc triều kiệt thì cần phải giải tỏa các trường hợp lấn chiếm dòng sông và tổ chức nạo vét luồng lạch của sông Vạn Củi.

 

Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng phòng TN-MT huyện Tuy An cho biết: Phòng TN-MT huyện đã báo cáo kiến nghị UBND huyện chỉ đạo 2 xã An Ninh Đông và An Ninh Tây kiểm tra, rà soát và lập hồ sơ để xử lý các trường hợp lấn chiếm dòng sông Vạn Củi. Hiện tại, tổng số tàu thuyền trên địa bàn toàn huyện là 1.260 chiếc, trong đó 2 xã An Ninh Đông và An Ninh Tây có khoảng 600 chiếc, công suất từ 20CV trở lên. Do vậy, nếu chỉ giải tỏa phần diện tích người dân lấn chiếm hiện nay thì không đáp ứng nhu cầu tàu thuyền tránh trú bão, UBND huyện cũng cần xem xét không tiếp tục gia hạn sử dụng đất cho các trường hợp được giao đất để nuôi trồng thủy sản, vì khu vực này không nằm trong quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Để đảm bảo khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão ổn định và lâu dài, UBND huyện đề nghị tỉnh đầu tư dự án xây dựng kè dọc 2 bên bờ sông Vạn Củi.

 

Cảng cá Tiên Châu được xây dựng từ năm 2006 và được giao cho huyện Tuy An quản lý và khai thác vào năm 2009. Đây là một trong những cảng cá lớn của tỉnh được sử dụng cho tàu thuyền có công suất từ 30CV đến 400CV cập bến. Nhưng những năm qua, do lượng tàu thuyền có công suất lớn phát triển chậm nên chưa phát huy hết công suất của cảng; trong khi đó, bến cảng liền bờ dành cho tàu thuyền công suất 30CV đến 40CV lại có mặt bằng quá hẹp. Ngoài ra, các hạng mục dịch vụ thiết yếu của cảng chưa được đầu tư đồng bộ, công tác quản lý của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo nên cảng cá Tiên Châu chưa phát huy hiệu quả đúng mức. Theo UBND huyện Tuy An, trong 14 hạng mục của cảng cá Tiên Châu đã được phê duyệt, đến nay còn nhiều hạng mục chưa triển khai đầu tư như nhà phân loại thủy sản, cửa hàng điện, cần cẩu di động bánh hơi, xe tải nhỏ, máy phát điện dự phòng, hệ thống thông tin liên lạc…

Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết thêm, từ khi tiếp nhận đến nay cảng cá Tiên Châu chưa được đầu tư bổ sung một hạng mục nào, trong khi nguồn vốn của dự án còn hơn 8 tỉ đồng. Để cảng cá Tiên Châu hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, UBND huyện kiến nghị tỉnh xem xét bố trí kinh phí để đầu tư khép kín các hạng mục còn lại theo đúng thiết kế ban đầu. Tỉnh cũng cần quan tâm việc nạo vét luồng lạch ra vào cảng, vì hiện nay tàu có công suất trên 150CV ra vào gặp nhiều khó khăn khi thủy triều xuống. Tỉnh cũng nên bố trí kinh phí để lập dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực cảng cá Tiên Châu và khu vực sông Vạn Củi để tàu thuyền có nơi neo đậu tránh trú an toàn trong mùa mưa bão.

Các hồ nuôi tôm lấn chiếm dòng sông Vạn Củi (Tuy An) – Ảnh: A.NGỌC

Sớm giải quyết những tồn tại

Trước những tồn tại của cảng cá Tiên Châu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã chỉ đạo cho Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện Tuy An kiểm tra lại quy hoạch mặt bằng cảng cá Tiên Châu, trên cơ sở đó đề xuất hướng cải tạo và xây dựng các hạng mục còn lại cho phù hợp với thực tế. Đồng thời, địa phương cần thu hút các cơ sở dịch vụ hậu cần tổ chức kinh doanh trong cảng và quy hoạch khu vực neo đậu tránh trú bão an toàn gắn liền với cảng. Sau khi Sở NN-PTNT có báo cáo đề xuất, UBND tỉnh sẽ giao Sở KH-ĐT phối hợp với Sở Tài chính cùng các cơ quan, đơn vị liên quan cân đối nguồn ngân sách để đầu tư đồng bộ, đảm bảo hiệu quả sử dụng cảng cá Tiên Châu. UBND tỉnh giao cho UBND huyện Tuy An phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các công trình cần thiết của cảng theo hình thức xã hội hóa, ưu tiên cho các doanh nghiệp đã đầu tư các cảng cá tự phát trong khu vực, để đảm bảo ổn định việc làm và phát huy kinh nghiệm khai thác, hoạt động của cảng cá. Huyện Tuy An cần vận động các hộ thu mua cá, kinh doanh vật tư tại các điểm không quy hoạch ngoài cảng cá Tiên Châu vào hoạt động trong cảng cá. Đồng thời, địa phương cùng các cơ quan liên quan dự thảo văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo nghiêm cấm hoạt động mua bán thủy sản, vật tư tự phát không đúng quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng. Vận động, xử lý, di dời các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực quy hoạch vị trí neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, lập dự án nạo vét luồng lạch để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng, neo đậu tránh trú bão, nhất là lạch sông Vạn Củi.

Hy vọng với những chỉ đạo của UBND tỉnh, những tồn tại liên quan đến cảng cá Tiên Châu sớm được giải quyết, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Anh Ngọc

Báo Phú Yên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!