T6, 30/06/2023 05:51

Lực lượng Kiểm ngư đang rất thiếu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là điều mà cả lãnh đạo Cục Kiểm ngư và các Chi cục Kiểm ngư Vùng băn khoăn và đưa ra những đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 diễn ra ngày 29/6/2023.

Gặp khó vì biển giáp ranh, chồng lấn

Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết, 6 tháng đầu năm, lực lượng Kiểm ngư gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, căng thẳng, thiếu ổn định; Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng các tàu hải cảnh, tàu cá xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ cuối tháng 3/2023. Đồng thời ban hành lệnh cấm đánh bắt cá thường niên từ ngày 01/5 đến 16/8 đã gây khó khăn cho ngư dân ta khi sản xuất trên biển.

Việt Nam có nhiều vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước trong khu vực, đang tiến hành đàm phán, phân định nên khó khăn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân phạm vi khai thác trên biển, thực thi pháp luật.

Các nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan tăng cường các lực lượng, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật trên biển và có nhiều hành động xử lý cứng rắn với ngư dân ta khi khai thác ở vùng biển giáp ranh, các vùng biển chồng lấn chưa được phân định.

Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Kiểm ngư

Tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) bị bắt giữ, xử lý vẫn xảy ra rất tinh vi nhằm trốn tránh lực lượng thực thi pháp luật. Lực lượng chấp pháp của nước ngoài vẫn không ngừng tăng cường tuần tra và bắt giữ tàu cá nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Cùng đó, là việc cơ cấu lại đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn được giao, thế nhưng, 6 tháng đầu năm 2023, Cục Kiểm ngư cũng đã triển khai được rất nhiều hoạt động hiệu quả.

Tổ chức thực thi pháp luật tại vùng biển vịnh Bắc Bộ ngay từ đầu năm; sự có mặt thường xuyên của lực lượng Kiểm ngư tại các ngư trường trọng điểm vùng biển này góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên biển; giúp ngư dân yên tâm bám biển ở các vùng biển giáp ranh; kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản; phát hiện và xua đuổi nhiều lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; chống khai thác IUU.

Công tác phối hợp với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng được duy trì thường xuyên tại các ngư trường trọng điểm, các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước.

Cơ bản đã hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Việc tham chống khai thác IUU được ưu tiên thực hiện thường xuyên, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm…

Mạnh tay xử lý vi phạm

Báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, ông Dương Văn Cường nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Kiểm ngư đã chỉ đạo 2 Chi cục Vùng, 3 Chi đội tổ chức 59 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính. Kết quả, phát hiện được 6.289 tàu cá hoạt động trên biển, trong đó có 58 tàu cá nước ngoài; Kiểm tra 189 tàu, trong đó có 169 tàu cá Việt Nam, 20 tàu cá nước ngoài; phát hiện và xử lý 37 tàu cá vi phạm, trong đó có 17 tàu Việt Nam, 20 tàu nước ngoài; Xử phạt vi phạm hành chính 1,987 tỷ đồng.

Lập biên bản, ký xác nhận, điểm chỉ vào tổng đồ vị trí vi phạm, quay phim, chụp ảnh, sau đó buộc rời khỏi vùng biển Việt Nam 58 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản. Cùng đó, ngăn chặn được khoảng 9.000 lượt tàu có ý định vượt ranh giới vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, Cục Kiểm ngư tích cực phối hợp với các lực lượng như Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ tư lệnh Biên phòng, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy… để trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động của ngư dân trên các ngư trường; thực thi pháp luật thủy sản trên biển, công tác chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định, đặc biệt là công tác quản lý tàu cá ra vào cảng, xác nhận nguồn gốc hải sản, kiểm soát thuyền viên trên tàu cá để ngăn ngừa sử dụng lao động trẻ em trên tàu cá công tác kiểm soát hoạt động tàu cá trên các vùng biển giáp ranh; phối hợp xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài, chia sẻ thông tin quản lý tàu cá qua hệ thống VMS…

Bên cạnh đó, thông qua đường dây nóng xử lý các vụ việc nghề cá phát sinh trên biển, Cục Kiểm ngư đã cung cấp thông tin cho các cơ quan, lực lượng chức năng phối hợp xử lý, cứu hộ, cứu nạn; cứu được 39 lượt tàu/297 người và hỗ trợ y tế cho 11 người bị thương, bị ốm, 04 người bị tai nạn lao động.

Cần thêm những hỗ trợ

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết, đại diện các Chi cục Kiểm ngư Vùng đều nhấn mạnh việc lực lượng Kiểm ngư đang rất thiếu nhân lực. Số lượng biên chế hiện có còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là công chức thuyền viên tàu kiểm ngư. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng một số nhiệm vụ. Đây là trở ngại rất lớn để Kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát huy tối đa vai trò trên các vùng biển Việt Nam.

Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm, Cục Kiểm ngư tiếp tục hoàn thành các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển theo kế hoạch năm 2023; tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Tham mưu cho Bộ NN&PTNT văn bản chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tăng cường xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong đợt cao điểm chống khai thác IUU đến tháng 10/2023; Tổ chức theo dõi, tham mưu việc ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng đó, rà soát, ký lại quy chế phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để đảm bảo hiệu quả nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên biển; ngăn chặn khai thác IUU, tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài…

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh: Bộ máy quản lý Kiểm ngư từ Trung ương xuống địa phương đang dần được hoàn thiện; hiện đã có 14 tổ chức Kiểm ngư ở địa phương được thành lập và đi vào hoạt động. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để phối hợp trong việc tuần tra an toàn trên biển.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: 6 tháng cuối năm, khối lượng công việc của Cục Kiểm ngư rất lớn, nhưng cần phải hành động nhanh, không ngỡ ngàng, không lúng túng. Sắp tới, Cục Kiểm ngư cần hoàn thiện các văn bản chính sách; tham gia xử lý nghiêm để răn đe các đối tượng vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Cục phải sắp xếp, phân biệt thứ tự từng việc để thực hiện thật tốt. Phối hợp với các đơn vị chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn. Về bộ máy, nên xem bối cảnh của ngành nông nghiệp, thủy sản, “mượn nước đẩy thuyền” để hoàn thiện cơ cấu tổ chức.

 

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!