T4, 28/06/2023 09:15

Lưới vây cá cơm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá cơm là một trong đối tượng quan trọng của nghề cá trên thế giới và thường phân bố ở vùng ven bờ, quanh các đảo, có tập tính kết đàn và thích tập trung quanh nguồn sáng. Cá cơm là loài cá nhỏ, kích thước tối đa không quá 20 cm, bán kính đàn trung bình 50 m. Đây là đặc điểm sinh học cơ bản để tính toán thông số cơ bản của vàng lưới vây cá cơm (chiều dài, chiều cao… trang bị phụ tùng).

Lưới vây cá cơm ở các nước trên thế giới và khu vực thường có chiều dài từ 250 – 1.000 m và chiều cao chủ yếu 20 – 140 m, nghề lưới vây cá cơm chủ yếu sử dụng phương pháp khai thác vây kết hợp ánh sáng và phương pháp dò tìm đàn cá (bằng mắt thường và máy dò cá). Tàu lưới vây khai thác cá cơm tập trung chủ yếu là tàu có chiều dài dưới 24 m, công suất máy từ 90 CV trở lên. Đối tượng đánh bắt chính của nghề lưới vây cá cơm, với tỷ lệ cá cơm trong các mẻ lưới đạt được từ 90% trở lên.

Nghề lưới vây cá cơm khai thác chủ yếu ở vùng lộng, vùng ven bờ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như: Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa… đối tượng khai thác chính của nghề này là các loài cá cơm (Vũ Việt Hà, 2013). Tàu thuyền của nghề vây cá cơm ở vùng biển Tây Nam bộ được đóng bằng vật liệu vỏ gỗ. Tàu có diện tích mặt boong rộng thuận tiện cho việc thao tác, chiều dài vỏ tàu từ 17,5 – 22 m và máy tàu thường có công suất trong khoảng 250 – 350 CV. Thời gian đánh bắt của nghề này chủ yếu là ban đêm vào những ngày không trăng từ 17 tháng này đến khoảng ngày 10 tháng sau (theo âm lịch) (Phạm Thùy Linh, 2014).

Hiện nay, các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ đang có xu hướng chuyển sang lưới vây cá cơm, do đó số tàu lưới vây khai thác cá cơm ngày càng tăng. Ước tính tổng số tàu lưới vây khai thác cá cơm trong cả nước chiếm khoảng 50% tổng số tàu lưới vây (khoảng 2.900 chiếc); số lượng tàu lưới vây cá cơm phân bố tập trung ở một số tỉnh ở vùng biển miền Trung, Đông – Tây Nam bộ. Một số tỉnh ven biển có số lượng tàu lưới vây cá cơm tập trung, bao gồm các tỉnh như ở Bình Định có khoảng 390 chiếc, Bình Thuận có khoảng 420 chiếc, Kiên Giang có khoảng 290 chiếc và Cà Mau có khoảng 210 chiếc.

Đến tháng 12/2021, tổng số tàu lưới vây trong cả nước có 5.808 chiếc và được chia thành 4 nhóm chiều dài: nhóm chiều dài từ 6-<12 m có 630 chiếc; nhóm chiều dài từ 12 -<15 m chiếc có 1.167 chiếc; nhóm chiều dài từ 15-<24 m có 3.777 chiếc và nhóm chiều dài từ 24 m trở lên có 234 chiếc. Số lượng tàu lưới vây tập trung ở 2 nhóm là nhóm chiều dài là từ 12-<15 m và 15-<24 m. Số tàu nghề lưới vây ở nước ta chưa được thống kê theo đối tượng khai thác chính mà chủ yếu thống kê số tàu lưới vây theo chiều dài hoặc công suất tàu.

Lưới vây cá cơm là loại lưới sử dụng để khai thác đối tượng chính là cá cơm. Chiều dài vàng lưới thường từ 200 – 450 m và chiều cao lưới từ 40 – 60 m. Kích cỡ mắt lưới thường từ 6 – 10 mm, vật liệu áo lưới sử dụng nilon 210 D/6 – 210D/12. Tàu làm nghề vây cá cơm thường có chiều dài từ 11 – 21 m với công suất máy từ 33 – 330 CV. Trên tàu được trang bị máy phát điện có công suất từ 3 – 5 kW được dùng để thắp sáng tập trung các đàn cá cơm và cá nổi khác (Nguyễn Phi Toàn, 2009).

Kết quả điều tra bằng phiếu phỏng vấn của nghề lưới vây ở nhóm tàu có công suất từ 90 CV trở lên cho thấy: Vùng biển Vịnh Bắc Bộ, lưới vây có chiều dài từ 400 – 800 m và chiều cao từ 40 – 100 m và kích thước mắt lưới ở tùng 18 – 30 mm. Vùng biển miền Trung, lưới vây có chiều dài từ 350 – 1.100 m, chiều cao từ 40 – 110 m và kích thước mắt lưới từ 18 – 30 m.Vùng biển Đông Nam bộ, lưới vây có chiều dài từ 360 – 1.000 m và chiều cao từ 50 – 150 m và kích thước mắt lưới từ 18 – 30 mm. Vùng biển Tây Nam bộ, lưới vây có chiều dài từ 400 – 800 m và chiều cao từ 40 – 100 m và kích thước mắt lưới ở tùng từ 18 -30 m. Kết quả điều tra cho thấy, các mẫu lưới hiện nay ngư dân đang sử dụng chủ yếu chế tạo theo kinh nghiệm, các thông số của lưới giữa các địa phương và các vùng biển có nhiều điểm khá khác nhau (Nguyễn Văn Kháng, 2011).

Lưới vây sử dụng khai thác cá cơm ở vùng biển Tây Nam Bộ có chiều dài giềng phao: 300 – 600 m, chiều cao lưới từ 40 – 45 m và kích thước mắt lưới trung bình 2a = 8,2 mm và d = 6 mm và kích thước mắt lưới nhỏ hơn so với quy định. Nguồn sáng tập trung cá trên tàu chong đèn có tổng công suất khoảng từ 10 đến 20kW (trang bị hệ thống đèn, gồm: đèn cao áp 400W, siêu áp 1.000W, đèn neon 40W).

Cấu tạo cơ bản của lưới vây cá cơm

Hình 1 – Cấu tạo tổng thể lưới vây cá cơm nhóm tàu từ 12 – < 15 m

CHÚ DẪN:

1. Phao đầu lưới

2. Phao

3. Áo lưới

4. Giềng phao

5. Giềng biên tùng lưới

6. Vòng khuyên biên đầu tùng lưới

7. Giềng rút biên tùng lưới

8. Khóa xoay

9. Vòng khuyên

10. Giềng rút đoạn 1

11. Giềng rút đoạn 2

12. Dây buộc vòng khuyên

13. Giềng chì

14. Vòng khuyên biên cánh lưới

15. Giềng rút biên đầu cánh lưới

16. Giềng biên đầu cánh lưới

17. Chì kẹp lưới

Cấu tạo tổng thể

Hình 2 – Cấu tạo tổng thể lưới vây cá cơm nhóm tàu từ 15 – < 24 m

1. Phần tùng

2. Phần thân

3. Phần cánh

4. Chao phao

5. Chao biên

6. Chao chì

7. Dây giềng phao

8. Dây giềng chì

9. Giềng biên

10. Giềng rút biên

11. Dây buộc vòng khuyên chính

12. Dây giềng rút chính

13. Vòng khuyên chính

14. Chì

15. Phao

 

Nguồn: Viện Nghiên cứu Hải sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!