Lưu ý khi nuôi cua kết hợp với tôm sú

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tại sao cần ương cua trước khi nuôi?Kỹ thuật ương cua như thế nào?

(Nguyễn Hồng Phương, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)

Trả lời:

Để hạn chế cua bị hao hụt, trước khi thả cua vào ao nuôi tôm cần ương cua trong ao khoảng 15 – 20 ngày để hạn chế cua bị hao hụt. Tùy theo số lượng giống thả để xây dựng ao lớn hay nhỏ nhưng phải đảm bảo mật độ ương không quá 5 con/m2. Ao trước khi thả giống phải được cải tạo kỹ: sên vét bùn đáy ao, bón vôi với liều từ 15 – 20 kg/1.000 m2, lấy nước vào đầy ao qua lưới lọc hạn chế tôm, cá tạp, sau đó dùng saponin với liều 20 kg/1.000 m3 diệt cá tạp, kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước điều chỉnh vào khoảng thích hợp như:

+ pH: trong khoảng 7,5 – 8,5, nếu pH thấp dùng vôi CaCO3 với liều 7 – 10 kg/1.000 m3 tạt đều khắp ao.

+ Độ mặn: trong khoảng 18 – 22‰.

+ Độ kiềm: trong khoảng 80 – 150 mg CaCO3/lít. Nếu độ kiềm thấp hơn 80 mg/lít ảnh hưởng đến sự lột xác của cua. Khi độ kiềm trong ao thấp có thể dùng Dolomite với liều 7 – 10 kg/1.000 m3 tạt đều khắp ao.

+ Do đặc tính của cua ăn nhau rất mạnh, trong ao nên đặt chà để cho cua trú ẩn, chà được bó thành nhiều bó đặt đều khắp ao.

+ Trong quá trình ương cua nên bổ sung thức ăn cho cua. Có thể cho cua ăn cá tạp có sẵn ở địa phương. Cá được hấp chín, băm nhuyễn, tạt đều khắp ao với lượng 0,6 – 0,8 kg/1.000 cua giống.

Hỏi: Kỹ thuật chăm sóc và quản lý khi nuôi cua trong ao tôm sú?

(Ngô Minh Hợi, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu)

Trả lời:

Để cua và tôm sú không cạnh tranh thức ăn và không ăn lẫn nhau, nên thả cua với mật độ 1 con/20 m2, tôm sú là 1,5 con/m2. Người nuôi cần tiến hành thả tôm sú trước từ 1 – 1,5 tháng trước khi thả cua. Bờ bao phải đảm bảo chắc chắn không bị rò rỉ nhằm tránh mất nước trong suốt thời gian nuôi. Chiều rộng mương tối thiểu phải đạt từ 2 – 3 m, chiều sâu mương đạt 1,2 – 1,5 m để giữ được mức nước mặt trảng khi nuôi đạt từ 0,5 m trở lên, đảm bảo các yếu tố môi trường trong ao nuôi được ổn định. Trên bờ ao không nên dọn sạch cỏ, dùng lưới rào kỹ bốn góc ao và khu vực lấy nước vào (cua thường ra những góc ao và đường bơm nước).

Trong quá trình nuôi, định kỳ theo dõi các yếu tố môi trường nước để điều chỉnh vào khoảng thích hợp cho cua phát triển tốt: pH: 7 – 8,5; Kiềm: 80 – 150 ppm, độ mặn: 15 – 22‰. Trong ao nuôi phải có chỗ để cua trú ẩn và lột xác phát triển. Ao phải có đủ thức ăn cho cua, có thể thả cá phi, ốc… vào ao để cho cua ăn. Định kỳ 15 – 20 ngày thay nước 1 lần, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước trong ao, để kích thích cho cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt. Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn để kịp thời sửa chữa, tránh để cua bò ra ngoài.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!