Lưu ý khi sử dụng chế phẩm sinh học

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi tôm?

(Vũ Văn Trung, xã Kim Trung, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) 

Trả lời:

Người nuôi có thể sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt vụ nuôi từ cải tạo đến sau thu hoạch. Giai đoạn 1, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý bùn đen ở đáy ao. Với những ao nuôi có đáy bị nhiễm phèn nặng dùng chế phẩm sinh học chuyên xử lý phèn có chủng vi sinh Thiobaccillus spp. Kiểm tra thành phần vi sinh trong ao khi đạt yêu cầu thì tiến hành thả giống. 

Giai đoạn 2, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường định kỳ trong suốt vụ nuôi để ổn định mật số vi khuẩn có lợi trong ao, nhằm duy trì chất lượng nước và phòng trừ dịch bệnh. Cùng đó, tiến hành trộn chế phẩm sinh học vào thức ăn để ổn định khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, đồng thời giúp phòng trị các bệnh về đường ruột của tôm. 

Giai đoạn 3, sau khi thu hoạch tôm thương phẩm, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường và sau khi kết thúc vụ nuôi. Chế phẩm sinh học nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, nóng và nơi ẩm thấp. Nếu sử dụng không hết gói thì bọc kín phần còn lại, cần tránh ẩm để không bị đóng vón.

Hỏi: Vai trò của chế phẩm sinh học trong nuôi tôm?

(Ngô Văn Tuấn, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Sử dụng chế phẩm sinh học không chỉ giúp tôm nuôi khỏe mạnh, mau lớn, mà còn tạo ra những sản phẩm tôm chất lượng tốt đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Các chế phẩm sinh học kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi, cạnh tranh môi trường sống, làm giảm số lượng vi khuẩn có hại, ổn định môi trường ao nuôi, giúp chuyển hoá các chất hữu cơ như thức ăn dư thừa, xác tảo, cặn bã thành chất vô cơ không độc hại cho tôm nuôi. 

Bên cạnh đó, chế phẩm sinh học giúp chuyển các chất độc hại như NH3, NO2 thành các chất không độc như NO3 , NH4+, từ đó làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi. 

Trong ruột tôm, chế phẩm sinh học kích thích vi khuẩn có lợi phát triển, cạnh tranh để giảm dần số lượng vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Đồng thời, tham gia quá trình biến dưỡng tạo vitamin, chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thức ăn cung cấp năng lượng cho tôm nuôi, cũng như tiết ra một số chất kháng sinh, enzym hay hóa chất kìm hãm hay tiêu diệt mầm bệnh, nâng cao sức khỏe và sức đề kháng cho tôm nuôi, kích thích quá trình bắt mồi và chuyển hoá thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!