Lưu ý khi sử dụng thức ăn tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Thức ăn cho tôm cần đáp ứng những tiêu chí gì?

(Trần Thanh Hùng, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Trả lời:

Thức ăn phù hợp với tôm là loại thức ăn đáp ứng được tất cả nhu cầu dinh dưỡng của tôm, bao gồm protein, lipid, vitamin, khoáng… Nhu cầu dinh dưỡng của từng loài cũng khác nhau, nhu cầu protein của tôm sú (40 – 45%) cao hơn TTCT (30 – 40%); trong khi nhu cầu khoáng của TTCT cao hơn tôm sú do chu kỳ lột xác nhanh hơn. Một vấn đề quan trọng khi lựa chọn thức ăn cần quan tâm đến hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). Mỗi loại thức ăn đều có FCR khác nhau tùy theo hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn và lượng thức ăn sẽ được điều chỉnh tương ứng. Ví dụ: Thức ăn cân bằng dưỡng chất chứa 40% protein cho ăn mức 75% khẩu phần đã cung cấp lượng protein bằng với thức ăn chứa 30% protein cho ăn 100% khẩu phần. FCR là một chỉ số quan trọng vì khi giá trị FCR cao chứng tỏ lượng thức ăn dư thừa tích lũy trong ao nuôi cao, gây ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng nước và gia tăng chi phí sản xuất, làm giảm lợi nhuận thu được.

Để thức ăn có chất lượng giúp tôm tiêu hóa tốt và đạt hiệu quả cao, cần chọn thức ăn đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc, ít bụi, bề ngoài mịn, có mùi thơm hấp dẫn, không chứa tạp chất, nấm mốc… Tôm ăn thức ăn chậm nên đòi hỏi thức ăn phải bền trong nước hơn so với loài ăn thức ăn nổi. Thử độ bền bằng cách lấy khoảng 5 g thức ăn cho vào cốc thủy tinh có chứa nước trong để yên trong vài phút. Sau đó, cứ khoảng 15 phút dùng đũa khuấy nhẹ một vòng rồi quan sát. Nếu hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng và có thể cầm nhẹ lên mà không bị vỡ nát là thức ăn chưa bị rã. Độ bền của viên thức ăn được tính bằng số giờ quan sát kể từ khi thả thức ăn vào cốc thủy tinh chứa nước cho đến khi hầu hết các viên thức ăn vẫn còn giữ nguyên hình dạng ban đầu. Độ bền theo tiêu chuẩn quy định không nhỏ hơn 2 giờ. Ngoài ra, tôm phát triển qua nhiều giai đoạn, do đó người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp với kích cỡ từ tôm ấu trùng (nhỏ hơn 50 µm) tới tôm bố mẹ (3,18 mm).

Hỏi: Kỹ thuật bảo quản thức ăn tôm đúng cách?

(Phan Thái Thủy, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)

Trả lời:

Đối với thức ăn viên và thức ăn bổ sung, người nuôi phải chọn các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất có công bố chất lượng theo quy định, nằm trong danh mục thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, được sử dụng phổ biến và hiệu quả. Trong trường hợp sử dụng thức ăn mới thì phải kiểm tra thành phần định lượng, chất cấm có trong thức ăn nếu thấy nghi ngờ.

Khi tiếp nhận thức ăn từ đại lý, người nuôi cần chọn những lô thức ăn viên phải còn nguyên vẹn bao bì, không bị ẩm ướt, hạn sử dụng phải còn ít nhất 30 ngày. Nhãn bao bì thức ăn phải đúng theo công bố chất lượng, lấy mẫu kiểm tra chất cấm khi nghi ngờ. Nếu tất cả các nội dung nêu trên đều đạt yêu cầu và kết quả lấy mẫu kiểm tra các chất cấm như Chloramphenicol, Nitrofurans, Aflatoxin, Desamethazone khi nghi ngờ, nếu kết quả âm tính thì nhập thức ăn vào kho.

Kho chứa thức ăn tại cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo, ngăn chặn được động vật gây hại và không thấm dột. Thức ăn viên phải được xếp ngay ngắn, trên pallet cao tối thiểu 10 cm, được xếp theo từng mã số riêng biệt. Thức ăn bổ sung phải được xếp riêng từng loại trên pallet.

Tất cả các sản phẩm trong kho phải có nhãn hiệu, nguồn gốc rõ ràng. Các loại thức ăn phải xếp cách tường 10 cm và chừa lối đi để thuận tiện cho việc xuất nhập thức ăn. Việc xuất nhập thức ăn phải theo nguyên tắc “nhập trước – xuất trước”. Những thức ăn khi sử dụng không hết trong 1 lần phải được đóng nắp hoặc cột thật kỹ và để đúng nơi quy định.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!