Lưu ý khi thiết kế hệ thống xi phông

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Lợi ích của xi phông ao nuôi?

(Hoàng Ngọc Nam, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)

Trả lời:

Xi phông là giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý chất thải lắng tụ trong ao nuôi (phân tôm, thức ăn dư thừa, xác tôm chết, vỏ tôm sau khi lột xác…). Nhờ đó, hạn chế sử dụng hóa chất, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu tại Việt Nam. Nguyên lý vận hành của xi phông đáy ao còn giúp giảm thiểu và giải phóng khí độc NO2/NH3 trong ao nuôi tôm. Tạo môi trường tốt nhất cho tôm sinh trưởng và phát triển, từ đó tăng năng suất vụ nuôi. Trong các bể nuôi cá, nguyên lý này cũng được ứng dụng với lợi ích tương tự.

Giảm chi phí vận hành: Khi nuôi tôm có sử dụng hố xi phông, việc hút bùn và các chất lắng đọng khác ở đáy ao nuôi tôm trở nên dễ dàng, không cần sử dụng động cơ bơm ly tâm vì áp lực nước sẽ đẩy chất thải ra hệ thống cống rãnh mà không cần bất kỳ lực tác động. Giảm chi phí đầu tư thiết bị nuôi tôm, giảm chi phí ngừa bệnh, trị bệnh cho tôm.

Hỏi: Phương pháp xi phông nào phổ biến hiện nay?

(Phạm Văn Hoàng, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Hiện, có 3 hình thức xi phông được sử dụng phổ biến là: Sử dụng máy xi phông tự động; Sử dụng máy xi phông đặt trên bờ; Sử dụng xi phông bằng van tự động. Trong đó, hình thức sử dụng van tự động có chi phí thấp hơn và hiệu quả cao hơn so với phương pháp dùng máy hút.

Đối tượng áp dụng: Ao có diện tích nhỏ < 2.500 m2; Ao thiết kế có hố xi phông; Ao nuôi lót bạt; Ao đất có đổ bên tông cho hố.

Cách lắp đặt: Thiết kế hố xi phông có dạng chóp nón, khoảng cách từ miệng hố đến đáy hố là 50 cm, đường kính 2 m đối với những ao có diện tích từ 2.000 – 2.500 m2. Ở giữa hố xi phông có ghép nối với 1 ống nhựa PVP đường kính 75 mm, có bịt lưới đầu ống đủ để hút chất thải dưới đáy nhưng vẫn có thể ngăn tôm không lọt qua ghép nối. Chôn đường ống hút dưới đất để tránh không bị ảnh hưởng lúc cải tạo, cuối ống nhựa lắp 1 van để xả thải;

Sau khi thả tôm, chất thải sẽ tích tụ ở hố xi phông, tùy theo mật độ tôm nuôi và chất thải trong ao mà thời gian xi phông đáy phù hợp, nên rút 2 hoặc 3 lần chỉ từ 1 – 2 phút sau đó cấp lại lượng nước bằng với lượng nước đã hao hụt trong quá trình xi phông cho ao nuôi tôm.

Cuối mỗi vụ nuôi cần hút sạch bùn trong đường ống để tránh tình trạng bùn đọng trong ống.

Khi thi công hồ tôm lót bạt sẽ đồng thời tiến hành đào hố xi phông giữa ao. Lưu ý, khi lắp đặt hệ thống xi phông nên chọn phần ống xi phông chất lượng, để đảm bảo tuổi thọ của công trình. Tránh tình trạng ống bị hư, vỡ, gây rò rỉ chất thải ra môi trường, hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến ao nuôi.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!