Lưu ý nuôi cá trắm cỏ trong ao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Quy trình cải tạo ao nuôi cá trắm cỏ?

(Phan Thế Hoàng, xã Đại Tập, huyên Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)

Trả lời:

Ao nuôi cá trắm cỏ có diện tích ao nuôi khoảng 400 – 1.000 m2 là thích hợp nhất. Ao nuôi phải quang đãng, không bị cớm rợp, bờ ao chắc chắn không rò rỉ, đáy ao bằng phẳng có lớp bùn dày khoảng 15 – 20 cm. Ao nuôi cần thiết kế các cống cấp và thoát nước đặt so le. Mực nước trong ao giao động khoảng 1 – 1,2 m, nước quá nông hoặc quá sâu đều ảnh hưởng tới sự phát triển của cá. Rào lưới xung quanh để tránh các loài giáp xác, côn trùng truyền bệnh xâm nhập vào ao nuôi.

Nguồn nước cung cấp cho ao phải sạch, không bị ô nhiễm bởi các nguồn chất thải, nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy ở khu công nghiệp, pH 6,5 – 7,5, hàm lượng ôxy hòa tan duy trì từ > 4 mg/lít.

Sau mỗi vụ nuôi tiến hành tháo cạn, dọn sạch cỏ, tu sửa bờ, vét bùn (nếu lượng bùn quá nhiều nên vét bớt, chỉ để lại lớp bùn từ 15 – 20 cm). Bón vôi để diệt cá tạp và các mầm bệnh. Lượng vôi bón từ 7 – 10 kg/100 m2 đáy ao. Vôi được rắc đều lên mặt đáy ao và các thành bờ sau đó phơi nắng từ 2 – 3 ngày rồi mới cho nước vào ao. Nước lấy vào ao phải được lọc qua đăng hoặc lưới có mắt nhỏ để ngăn chặn cá dữ, cá tạp xâm nhập theo dòng nước vào ao. Dùng 20 – 30 kg phân chuồng để bón lót cho 100 m2 ao trước 2 – 3 ngày để chuẩn bị thả cá. Khi nước ao có màu xanh nõn chuối hoặc màu vỏ đỗ thì tiến hành thả giống. Trước khi thả giống cần kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp

Hỏi: Xin tư vấn biện pháp chăm sóc và phòng bệnh cho cá trắm cỏ?

(Đỗ Văn Hợp, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời:

Thức ăn xanh gồm các loại cỏ, rong, bèo tấm, bèo dâu, lá chuối, lá sắn. Nên cho cá ăn đủ hàng ngày để đảm bảo cá phát triển tốt. Ở giai đoạn đầu các loại thức ăn như lá cỏ, sắn, thân cây chuối, lá ngô, lá chuối cần được băm nhỏ để vừa miệng của cá. Khi cá đạt từ 0,8 kg/con trở lên có thể cho cá ăn trực tiếp các loại cỏ, lá sắn, lá chuối còn thân cây chuối vẫn phải cắt nhỏ.

Sau mỗi lần cho ăn cần kiểm tra vất bỏ các cọng cỏ, cây, lá già cá không ăn được để tránh làm ô nhiễm nguồn nước trong ao.

Lượng cho ăn cỏ, lá sắn, lá ngô tươi cho ăn từ 30 – 40% trọng lượng cá thả trên ao/ngày. Với rong, bèo, cây chuối cho ăn 60% trọng lượng cá thả trong ao/ngày.

Thức ăn tinh, thức ăn tự chế biến, cám gạo, cám ngô cho cá ăn với khẩu phần từ 1,5 – 2% trọng lượng cá có trong ao.

Đối với thức ăn công nghiệp, người nuôi cần lựa chọn thức ăn chất lượng từ các đơn vị cung cấp uy tín trên thị trường. Cách sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

Người nuôi cần theo dõi thường xuyên bờ ao, cống thoát nước, xem mực nước ao vào mỗi buổi sáng để có biện pháp khắc phục nếu có sự cố xảy ra.

Vào sáng sớm nếu thấy cá nổi, đầu kéo dài không lặn xuống thì tạm dừng cho ăn và bơm thêm nước vào ao hoặc sử dụng máy phun đảo ngược nước trong ao để tăng hàm lượng ôxy hòa tan.

Để phòng bệnh, người nuôi cần lựa chọn con giống khỏe mạnh. Nên mua cá giống ở những cơ sở có uy tín, được nhà nước cấp phép hoạt động để đảm bảo chất lượng cá giống.

Nên tắm cho cá trước khi thả xuống ao bằng muối ăn pha loãng với nước sạch, liều lượng từ 2 – 3%, thời gian từ 5 – 10 phút.

Đảm bảo mật độ cá khi nuôi, không nên nuôi quá dày.

Trong suốt quá trình nuôi cần phải giữ vệ sinh ao, đầm nuôi để đảm bảo chất lượng nước tốt, tránh sự tích tụ của các chất hữu cơ, hợp chất nitơ… quản lý các yếu tố môi trường như hàm lượng ôxy hòa tan, pH… trong khoảng thích hợp.

Định kỳ sử dụng vôi hàng tuần với liều lượng từ 1 – 2 kg/100 m2. Đồng thời treo các túi vôi tại các điểm cho cá ăn.

Cần chủ động được nguồn nước để thay khi cần thiết, trong điều kiện nguồn nước thuận lợi, người nuôi có thể thường xuyên thay và cấp nước mới cho ao, lượng nước thay từ 20 – 30% lượng nước trong ao.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!