Lưu ý nuôi cá trong lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Khu vực đặt lồng bè nuôi cá cần đảm bảo những yêu cầu gì?

(Lê Thị Xuân, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Trả lời:

Người nuôi chú ý chọn khu vực gần cửa biển, nơi có nhiều động thực vật phù du và chọn nơi có các yếu tố như độ mặn, pH, hàm lượng ôxy phù hợp; Độ sâu phải bảo đảm đáy lồng cách đáy biển, đáy sông ít nhất 2 – 3 m; Tránh nơi sóng to, gió lớn như sóng cao trên 2 m và tốc độ dòng chảy lớn vì như vậy có thể làm hư hỏng lồng nuôi, trôi thức ăn, làm cho cá hoạt động yếu gây chậm lớn và dễ sinh bệnh; Cần tránh xa những nơi gây ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và tàu bè qua lại nhiều; Nơi nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản lồng bè của chính quyền địa phương, thuận lợi giao thông, dễ dàng vận chuyển, với các thông số:

– Độ sâu: Độ sâu lý tưởng cho các khu nuôi cá biển ven bờ là ở các vùng nước cửa biển, nơi có độ sâu dao động từ 8 m trở lên.

– Độ mặn: Ở ngưỡng từ 10 – 33‰. Nhưng tốt nhất ở ngưỡng 25 – 28‰.

– pH: Ngưỡng pH tốt nhất là ở khoảng 7,9 – 8,2.

– Dòng chảy: Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6 m/giây.

– Hàm lượng ôxy tốt nhất từ 4 – 6 mg/lít.

– Độ trong: Tốt nhất khoảng 30 – 40 cm.

– Ít có các loại khí độc (H2S, NH3).

– Nhiệt độ nước: Nhiệt độ nước tốt nhất ở ngưỡng 20 – 300C. Nếu nhiệt độ trong ngày thay đổi cao hơn 50C giữa ngày và đêm thì cần phải đề phòng cá bỏ ăn, nổi đầu, ngớp liên tục… Và người nuôi cần có các biện pháp can thiệp kịp thời như cung cấp ôxy, ngưng cho ăn, tránh xáo trộn lồng nuôi.

Hỏi: Các biện pháp để hạn chế thiệt hại vào mùa mưa bão đối với nuôi thủy sản trong lồng bè?

(Phan Văn Thành, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị)

Trả lời:

Vào mùa mưa bão, người nuôi cần tranh thủ tỉa thưa, thu hoạch các loài đạt hoặc sắp đạt kích cỡ thương phẩm đồng thời có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Cập nhật thông tin kịp thời về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai để chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Đối với vùng ương nuôi cá lồng bè qua mùa mưa bão, phải có phương án di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, vùng an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết; kiểm tra, gia cố lại hệ thống neo, phao lồng bè, vệ sinh lồng bè thông thoáng. Chuẩn bị các trang thiết bị và sản phẩm xử lý để đảm bảo đủ lượng ôxy cho cá nuôi, tránh bị mưa lớn và nước lũ đổ về, để phòng tránh tình trạng cá chết hàng loạt. 

Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; có phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết. Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!