(TSVN) – Hỏi: Tôi muốn nuôi lươn trong can nhựa thì cần chuẩn bị những vật liệu gì?
(Lê Văn Bình, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)
Trả lời:
Hiện nay mô hình nuôi lươn trong can nhựa được nuôi phổ biến ở ĐBSCL. Để nuôi lươn theo hình thức này, cần chuẩn bị loại can có thể tích là 30 lít, kích thước 60 x 35 x 20 cm. Mỗi can nuôi được 1 kg lươn giống. Tùy theo số lượng lươn giống định nuôi phải chuẩn bị số can tương ứng. Trên thân can đục nhiều lỗ cỡ khoảng 1 cm hoặc 0,6 cm, dùng cho hai cỡ lươn giống. Sau đó xỏ các thanh tre có chiều dài khoảng 4 – 5 cm để lươn quấn vào sinh trưởng.
Phía trên can nhựa cũng đục nhiều lỗ để ôxy từ không khí từ bên ngoài có thể khuếch tán vào bên trong cho lươn thở. Đóng 1 khung tre hay gỗ cách mặt nước 0,4 – 0,5 m, treo cố định những can nhựa trên thanh tre hay gỗ đó, sao cho phần trên của can nhựa nằm trên mặt nước khoảng 20 – 30 cm, ôxy từ không khí sẽ theo các lỗ được đục sẵn trên thân can đi vào bên trong can. Phần thân dưới của can nhựa chìm trong nước. Nhờ vậy lươn được sống trong môi trường nước tự nhiên. Mỗi can đặt cách nhau khoảng 2 cm. Đặc điểm nuôi lươn trong can nhựa này không cần xây bể hay dùng bùn gì cả, chỉ cần có một dòng nước tự nhiên là có thể nuôi được.
Hỏi: Loại thức ăn nào được sử dụng cho nuôi lươn trong can nhựa? Tư vấn cách cho lươn ăn đạt hiệu quả cao?
(Nguyễn Thành Tân, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long)
Thức ăn cho lươn nuôi theo hình thức này cũng không khác nhiều so với những hình thức khác. Thức ăn chủ yếu là cua, ốc, hến, cá tạp xay nhuyễn, tép, trùn quế, giun đất, cám, bã đậu, các loại rau quả, thức ăn viên của cá da trơn, tấm cám nấu chung bột cá, ốc băm…
Cách cho ăn: Dùng vải để may một chiếc túi khoảng 30 – 40 cm chiều dài, gắn cố định với nắp can nhựa. Trên thân túi đục nhiều lỗ để khi cho thức ăn vào lươn có thể ăn từ những lỗ đó. Mỗi khi muốn cho ăn thì mở nắp can và cho thức ăn vào. Cho ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều.
Nhờ ưu điểm nuôi tại nguồn nước tự nhiên, không phải thay nước (vì nước luôn luôn chảy chứ không đọng lại) nên dù thức ăn có rơi ra 1 lượng ít thì nước trong can vẫn không bị nhiễm bẩn.
Với phương pháp nuôi thân thiện với môi trường này mà lươn trong can nhựa sinh trưởng theo hướng tự nhiên, thịt sạch, không bệnh, tăng trưởng đều.
Thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn lươn tiêu thụ, nếu lươn bỏ ăn có thể bổ sung vitamin hoặc dưỡng chất khác tùy thuộc vào tình trạng của lươn để xử lý.
Ban KHKT