(TSVN)) – Hỏi: Thức ăn cho tôm càng xanh toàn đực nuôi trong ao là gì? Kỹ thuật chăm sóc tôm càng xanh để đạt hiệu quả cao?
(Nguyễn An Hòa, xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)
Trả lời:
Trong kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực thì việc cho ăn cần phải được theo dõi thường xuyên. Tôm càng xanh ăn mạnh vào ban đêm nên phải cho ăn từ 2 – 3 lần/ngày. Khi cho ăn, cần rải đều khắp ao nuôi, cho ăn bằng sàng với liều lượng thức ăn từ 10 – 20 g/kg. Thường xuyên kiểm tra sàng ăn để xem sức ăn để điều chỉnh cho phù hợp. Cho tôm ăn thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 30 – 40%. Ngoài ra có thể sử dụng các loại thức ăn tự nhiên như cua, ốc, cá vụn… Hiện nay, thức ăn công nghiệp cho tôm càng xanh chưa có nên người nuôi có thể tham khảo thức ăn cho tôm thẻ chân trắng.
Trong quá trình nuôi, cần chuyển đổi loại thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi chuyển đổi thức ăn, nên trộn lẫn 2 loại thức ăn cũ và mới cho ăn ít nhất 3 ngày.
Tôm càng xanh rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, các yếu tố môi trường, ôxy hòa tan… nên người nuôi cần phải thường xuyên theo dõi và điều chỉnh các chỉ tiêu về mức ổn định. Bố trí từ 2 – 4 giàn quạt để bổ sung sục khí, cung cấp ôxy cho ao nuôi tôm. Thường xuyên theo dõi, quan sát đường ruột tôm nhằm đánh giá mức độ bắt mồi và các dấu hiệu bệnh trên tôm thông qua màu sắc, khối cơ… Vào chu kỳ tôm lột xác cần điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp kết hợp với sục khí và quạt nước.
Thường xuyên theo dõi hoạt động của tôm nhất là vào ban đêm, xem màu nước ao để điều chỉnh lượng thức ăn. Định kỳ thay nước đảm bảo cho tôm phát triển và lột xác nhanh lớn. Hàng ngày kiểm tra bờ ao, cống tránh tôm bị thất thoát.
Trong quá trình nuôi, cần thực hiện bẻ càng để tôm lớn nhanh, tăng tỷ lệ sống. Bẻ càng ở vị trí khớp gần cơ thể để tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng. Sau thời gian 3 – 4 tháng càng tôm sẽ tự mọc trở lại.
Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở tôm càng xanh. Thiết kế xây dựng ao nuôi phù hợp với công tác phòng bệnh; Sử dụng thức ăn không nấm mốc, còn hạn sử dụng; Sát trùng nơi cho ăn, dụng cụ sản xuất; Ngăn chặn sự xâm nhập và tiêu diệt ký chủ trung gian, các sinh vật mang mầm bệnh; Khử trùng nước tôm bị bệnh trước khi thải ra ao chứa.
Định kỳ sử dụng các loại chế phẩm sinh học cho ao nuôi. Thời gian nuôi tôm càng xanh kéo dài từ 4 – 5 tháng rồi thu hoạch.
Hỏi: Làm thế nào để lựa chọn giống tôm càng xanh toàn đực tốt?
(Trần Duy Phương, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận)
Trả lời:
Lựa chọn giống tôm càng xanh toàn đực là bước quan trọng nhất, người nuôi có thể chọn tôm giống tự nhiên và tôm giống nhân tạo để nuôi và cần lưu ý một số dấu hiệu sau đây: Tìm kiếm và lựa chọn những con giống khỏe mạnh, bơi lội nhanh, có đầy đủ phụ bộ, đuôi xòe khi bơi lội, ruột đầy thức ăn. Khi quan sát bể tôm giống cần chọn những con có kích cỡ đồng đều, kích cỡ > 12 mm. Nếu mua con giống nhân tạo, cần lựa chọn những đơn vị sản xuất giống tôm càng xanh uy tín, và phải có hợp đồng đảm bảo tỷ lệ đực trên 95%.
Cần thả tôm giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mật độ nuôi từ 10 -15 con/m2. Trước khi thả, cần cân bằng nhiệt độ nước giữa bao giống và nước ao nuôi bằng cách ngâm bao giống trong ao đến khi cân bằng nhiệt độ. Sau đó, cho nước từ từ vào bao, cầm phía đáy bao từ từ dốc để tôm theo nước ra ao nuôi.
Ban KHKT