Lưu ý ương tôm hùm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Vị trí thích hợp để xây dựng hệ thống ương tôm hùm giống?

(Phạm Thành Nam, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)

Trả lời:

Vị trí để xây dựng hệ thống công trình ương giống tôm hùm cần đáp ứng các tiêu chí sau: Cách xa vùng cửa sông để tránh ảnh hưởng của nước ngọt, nhất là khi mưa lũ; Vùng không bị ảnh hưởng của bão, sóng lớn; Vùng nước không bị ảnh hưởng của nước thải từ các hoạt động dân sinh, công nghiệp và nông nghiệp; Vùng biển có trao đổi nước tốt thể hiện thông qua thủy triều tương đối lớn và các dòng chảy, đáy không có tích tụ nhiều mùn bã hữu cơ; Độ sâu tối thiểu lúc triều thấp là 1,5 m (lồng chìm) và 3 m (lồng nổi); Dễ đi lại, vận chuyển. Các thông số chất lượng nước khuyến cáo cho vùng ương tôm hùm giống cần đảm bảo như sau: Nhiệt độ: 25 – 320C, tối ưu 28 – 300C,; Độ mặn: 25 – 37‰, tối ưu 30 – 35 ‰; pH: 7,5 – 8,5; NH3 < 0,3 mg/l; Hàm lượng ôxy hòa tan > 4 mg/l, NO2 <5 mg/l; Độ kiềm 100 – 200 mg/l; Dòng chảy: 5 – 100 (cm/s).

Hệ thống công trình ương nuôi tôm hùm giống gồm có hệ thống lồng và hệ thống bể. Hệ thống lồng ương bao gồm lồng chìm khối hộp chữ nhật, lồng nổi khối hộp chữ nhật, lồng nổi trụ tròn. Hệ thống bể ương gồm bể tuần hoàn nước và bể thay nước (đa phần dạng khối hộp chữ nhật). Với các hệ thống lồng ương hiện tại, lồng nổi trụ tròn hiệu quả hơn khi xét về sinh trưởng và mức độ đồng đều của tôm hùm giống.

Hỏi: Loại thức ăn nào được sử dụng trong ương tôm hùm?

(Nguyễn Công Quyền, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận)

Trả lời:

Hiện, người nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn tươi cho tôm hùm giống, như: giáp xác (cua, ruốc), cá biển (cá liệt), động vật thân mềm hai mảnh vỏ (vẹm xanh) và các loài chân bụng (ốc bươu vàng).

Với thức ăn tươi, trong ương tôm hùm giống bằng lồng, tôm trắng được cho ăn 100% giáp xác, những tháng ương nuôi sau đó tiếp tục cho ăn 70% giáp xác + 10% cá biển + 10% thân mềm + 10% ốc bươu vàng. 

Tính an toàn của thức ăn rất quan trọng, đặc biệt là nguồn thức ăn tươi, nhất là cua biển, đây là loại thức ăn phổ biến trong ương tôm hùm vì chúng cho tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Trong tự nhiên, tôm hùm không mang mầm bệnh sữa nhưng cua biển lại mang mầm bệnh này (Jones, Per. Comm., 2008). Vì vậy, để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho tôm hùm, trong quá trình chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm giống, khi lật bụng cua biển, nếu thấy có màu trắng đục như sữa thì con cua đó phải được cho vào túi đựng rác để chuyển lên bờ đưa ra bãi rác. Những phần bị loại bỏ trong quá trình chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm giống (phụ bộ cua, ruột và vây cá, vỏ ốc…) cũng phải được đưa lên bờ để chuyển ra bãi rác.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!