(TSVN) – Hỏi: Tại sao đo pH trong ao tôm lại có sự chênh lệch khác nhau giữa buổi sáng và buổi chiều?
(Đỗ Văn Huấn, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng)
Trả lời:
Vào ban ngày hoặc khi nhiều nắng, quá trình quang hợp diễn ra mãnh liệt (do tảo và thực vật). Khi quang hợp tảo hấp thụ khí CO2 hoặc bicarbonat (HCO3) trong nước và nhả ra khí ôxy.
pH của nước tăng nhanh, nhất là khi nguồn nước nhận có độ kiềm thấp (kiềm là tính đệm giúp ổn định pH), vào thời điểm cuối buổi chiều, pH của một số ao, hồ giàu dinh dưỡng có thể đạt giá trị trên 10. Nồng độ ôxy thường ở mức cao.
Song song với quá trình quang hợp là quá trình hô hấp (phân hủy chất hữu cơ để tạo ra năng lượng, ngược với quá trình quang hợp) xảy ra. Trong khi hô hấp, tảo thải ra khí CO2 tác nhân làm giảm pH của nước.
Vào ban đêm hoặc những ngày ít nắng, quá trình hô hấp diễn ra mạnh mẽ gây tình trạng thiếu ôxy và làm giảm pH trong nước. Trong các nguồn nước giàu dinh dưỡng (N, P) vào buổi sáng sớm, trước lúc bình minh, lượng ôxy trong nước hầu như cạn kiệt và pH có thể xuống rất thấp.