Ở nơi mênh mông muôn trùng sóng dữ, các ngư dân đã cùng nhau viết nên những câu chuyện xúc động về tình người giữa biển khơi.
Giữa biển khơi mênh mông, nguy hiểm luôn cận kề, để chống lại sự hung dữ của biển cả các ngư dân đã đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để qua cơn hoạn nạn. Họ vật lộn với thủy thần cứu hộ lẫn nhau dù biết nguy hiểm, sóng dữ đang rình rập. Họ đã cùng nhau viết nên những câu chuyện xúc động về tình người giữa biển khơi, đậm tình người, nét nhân văn giữa bộn bề lo toan, mưu sinh thường nhật.
Phá vòng vây tàu “lạ” cứu người
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tẩn (50 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 9 thuyền viên, vẫn không quên những ngày lênh đênh giữa biển khơi. Tàu cá QNg 95431 TS của ngư dân Tẩn rời cảng Sa Kỳ đi đánh bắt vào ngày 7/3 đến 18h ngày 18/3/2015 tàu bị chết máy và mắc cạn tại đảo Xà Cừ.
Lúc này, trên thuyền có 10 thuyền viên và 4 tấn cá. Thủy thủ đoàn đã làm mọi cách sửa chữa máy móc để vào bờ nhưng vô vọng. Ông Tẩn liền dùng bộ đàm liên hệ với các tàu cá gần đó kêu cứu. “Có một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi nhận được lời kêu cứu, họ nói sẽ nhanh chóng đưa tàu đến để cứu nạn. Nghe tin tức đó anh em trên tàu ai cũng vui mừng”, thuyền trưởng Tẩn kể lại.
Tàu của ngư dân Võ Văn Hải bị hư hỏng nặng sau khi cứu hộ tàu gặp nạn.
Sáng hôm sau, thuyền trưởng Tẩn cùng 9 thuyền viên ai cũng mệt mỏi vì trắng đêm sửa chữa máy móc. Bất ngờ có một tàu “lạ” dùng đá ném vào buồng lái, toàn bộ kính bị vỡ vụn nhưng may mắn không có ai bị thương. Họ chưa hết bàng hoàng thì các ngư dân từ tàu “lạ” tràn sang, cướp đi toàn bộ thiết bị, máy móc, ngư cụ cùng 4 tấn cá trên tàu.
“Trắng đêm, lo âu ai cũng mệt mỏi nên khi bị cướp thì không còn sức chống cự nữa. Miễn sao là anh em trên tàu không bị thương tích gì là được”, ngư dân Nguyễn Hùng Thống (33 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Sơn) nhớ lại.
Qua bộ đàm, biết tàu cá QNg 95431 TS gặp nạn ở đảo Xà Cừ, ngư dân Võ Văn Hải (35 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), thuyền trưởng tàu cá QNg 90732 TS tức tốc đưa tàu đến cứu nạn. Ra khơi hơn 10 ngày số cá đánh bắt chỉ được hơn 6 tấn, nhưng nghe có tàu gặp nạn, toàn bộ thuyền viên trên tàu QNg 90732 TS vẫn không ngần ngại bỏ dở công việc để vượt sóng đến cứu giúp thuyền bạn.
“Đi một chuyến biển phí tổn mấy trăm triệu đồng, nhưng tôi vẫn chấp nhận lỗ, chỉ cần cứu được người vào bờ an toàn là vui rồi. Biển cả mênh mông có thể gặp rủi ro bất kỳ lúc nào, nên anh em bạn biển phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau”, thuyền trưởng Hải cười.
Hai hôm sau (tức 20/3/2015- PV), tàu của ông Hải mới tiếp cận được con tàu gặp nạn, thế nhưng lúc này bất ngờ xuất hiện một tàu “lạ” ngăn cản, sau đó rượt đuổi, ném đá vào buồng lái không cho tàu vào cứu nạn. Thuyền trưởng Hải quyết định cho tàu chạy và thả neo cách tàu của ngư dân Tẩn 10 hải lý.
Dù gặp nguy hiểm, nhưng ngư dân Hải cùng 9 thuyền viên quyết quay lại để đưa tàu gặp nạn về đất liền. Rạng sáng 21/3/2015, thuyền trưởng Hải cho tàu quay lại khu vực tàu gặp nạn, nhưng tàu “lạ” lại xuất hiện ném đá vào tàu. Sau đó, số ngư dân trên tàu lạ tràn sang lấy 6 tấn hải sản và một số máy móc trên tàu.
Dù tổn thất nặng nề nhưng thuyền trưởng Hải vẫn kiên quyết cho tàu đến khu vực đảo Xà Cừ đưa tàu của ngư dân Tẩn vào đất liền. Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, đến ngày 24/3/2015, tàu của ngư dân Tẩn được lai dẫn vào cảng Tịnh Kỳ. Lúc này, thuyền trưởng Tẩn mới thở phào nhẹ nhõm: “Bây giờ trở về bình an là quá tốt rồi. Chúng tôi biết ơn thuyền trưởng Hải rất nhiều, nếu không có anh Hải bất chấp nguy hiểm đến cứu, thì không biết giờ này tôi còn ngồi đây không?”.
Trở về đất liền, tàu cá của ngư dân Hải bị hư hỏng nặng, buồng lái bị vỡ, mạn thuyền bị gãy và hệ thống máy móc trên tàu trị giá hơn 300 triệu đồng bị mất. Hơn một tháng sau mới trở lại biển nhưng khi được hỏi có tiếp tục cứu nạn nữa không, thuyền trưởng Hải cười nói: “Tất nhiên là cứu rồi. Cứ tưởng tượng nếu mình đi biển gặp nạn mà không ai cứu thì sẽ như thế nào nên cứ nghe bạn biển kêu cứu là tôi sẽ đến ngay. Tàu hư, máy móc hư hỏng thì sửa lại chứ mạng người thì khó lắm”.
Tình người giữa biển khơi
9h sáng ngày 22/12/2013, tàu QNg 90037 TS của ngư dân Tiêu Viết Thường (50 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đột ngột chết máy. Biển động cấp 9 nên con tàu bị sóng đánh sắp chìm, 14 ngư dân lao ra mũi ném chiếc dù bạt xuống biển. 10 phút sau chiếc tàu đảo hướng, đây là khoảng thời gian sinh tử vì tàu nằm ngang lượn sóng.
Tất cả ngư dân chặt can dầu để biến thành gàu tát nước. Lúc này, vì không liên lạc được thông tin với đất liền nên thuyền trưởng Thường liên lạc qua Icom để nhờ tàu bạn đến ứng cứu. “Tàu 37 bị chìm…!”, thuyền trưởng Tiêu Viết Thường gào lên trong máy Icom.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tẩn cho tàu cập cảng Tịnh Kỳ để sửa chữa.
Ngư dân Bình Châu khi ra ngư trường Trường Sa đánh bắt đều thống nhất đặt tần số Icom B10 nên thông tin về “tàu chìm” lập tức lan nhanh đến mấy chục chiếc tàu đang hoạt động trên biển. Do đó, khi tàu QNg 90037 TS phát tín hiệu cấp cứu tàu QNg 95996 TS do Trương Quang Thanh (40 tuổi) làm thuyền trưởng chạy cách đó 60 hải lý còn tàu QNg 95642 TS do ông Nguyễn Cư (43 tuổi, cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng đang chạy cách tàu bị nạn 70 hải lý.
Hai bên thống nhất ai ở gần nhất thì đến trước cứu người, tàu đến sau sẽ hỗ trợ. Thuyền trưởng Nguyễn Cư kể lại: “Nếu vượt 60 – 70 hải lý thì cũng phải mất khoảng 9 giờ. Nghĩ đến muộn sẽ không kịp nên tôi đẩy hết ga cho tàu vượt sóng. Cứu anh em trước rồi có gì tính sau”.
Chiều tối 22/12/2014, tàu của thuyền trưởng Cư đã áp đến tàu bị nạn. Ông Cư nhìn sang và lắc đầu khi thấy tàu bị nạn to hơn tàu mình nhưng vẫn đang bị sóng phủ trên nóc. Tàu ông Cư dài 17,2 m, rộng 4,6 m, cao 2,5 m. Còn tàu bị nạn phần mũi cao gần 5 m. “Gió cấp 8 giật cấp 9 mà mình kéo tàu có vỏ lớn quá sẽ rất khó khăn, gây nguy hiểm cho cả hai tàu, nên tôi liên hệ qua Icom thông báo cho thuyền trưởng Thanh tăng tốc nhanh để đến hỗ trợ”, ngư dân Cư kể lại.
Nhận được tin báo, thuyền trưởng Thanh cho tàu chạy nhanh hơn. Khi đến vị trí tàu gặp nạn, anh em ngư dân đồng lòng thống nhất nối dây 3 tàu lại với nhau bắt đầu cuộc hành trình vào đất liền. Biển động cấp 9 nên ba con tàu dắt nhau chạy lòng vòng trên biển. Có lúc ngư dân phải xuôi sóng cho tàu đi ngược ra khơi trở lại. Đến khi yên gió thì lần hồi đi vào với tốc độ chỉ 1 – 2 hải lý/giờ.
Suốt hành trình, dây kéo liên tục bị đứt. Các ngư dân phải cắt chiếc dù to hàng trăm mét vuông để biến thành đệm buộc vào mũi tàu cho dây đỡ rạn. Tai họa vẫn chưa phải đã hết. Rạng sáng ngày 3/1/2014, sợi dây bung ra quấn vào chân vịt tàu của ngư dân Thanh. Anh em ngư dân một phen chạy nháo nhào, vì nếu xử lý chậm, tàu sẽ gãy cốt máy, không những không cứu được tàu mà còn “chết chìm” cùng nhau.
May mắn đã mỉm cười với anh em ngư dân khi 6h sáng ngày 3/1/2014, chiếc tàu bị nạn ở Trường Sa 15 ngày đã được hai tàu bạn đưa vào Sa Kỳ an toàn. Họ trở về trong niềm hân hoan của gia đình, toàn bộ số hải sản trên 3 tàu đều bị hư hỏng nhưng họ vẫn tươi cười vì đã kịp trở về nhà đón Tết và quan trọng hơn là ai cũng trở về an toàn. Thuyền trưởng Thanh cho biết: “Tôi đi biển cứu nạn bốn lần rồi, đây là lần ác liệt nhất. Thấy anh em bị nạn, tôi rơi nước mắt nên cố gắng cứu đến cùng”.
Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân Cư và Thanh cứu nạn tàu trên biển. Mùa biển cuối năm 2012, tàu cá của hai ngư dân này cũng ra tay cứu tàu cá của ngư dân Trần Hòa (38 tuổi, trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vào bờ an toàn sau 45 ngày trôi nổi trên biển.
>> Ngư dân đoàn kết tương trợ lẫn nhau Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cho biết: “Cả xã có 411 tàu thuyền hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Có rất nhiều ngư dân gặp nạn tưởng sẽ nằm lại giữa biển khơi nhưng nhờ được bạn biển cứu nạn đưa vào bờ an toàn. Biển mênh mông nguy hiểm luôn rình rập nên tinh thần đoàn kết của ngư dân giữa biển khơi rất quý, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”. |