Malaysia: Chiết xuất quả dứa cải thiện tăng trưởng, sức khỏe và khả năng kháng bệnh AHPND trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo đánh giá mới đây của các nhà nghiên cứu tại Malaysia, bổ sung chiết xuất quả dứa vào thức ăn của tôm sẽ giúp vật nuôi cải thiện hiệu suất tăng trưởng và khả năng kháng bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND).

Các loại dịch bệnh liên quan đến vi khuẩn vẫn đang là thách thức lớn nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất nuôi tôm. Gần đây, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (VPAHPND) gây ra, liên tục hoành hành gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhiều trại nuôi tôm. Dịch bệnh này cũng làm gia tăng tình trạng sử dụng kháng sinh tại châu Á. 

Các loại phụ gia thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật, còn gọi là phytogenic, hiện đang được sử dụng rộng rãi như một giải pháp thay thế kháng sinh trong quản lý dịch bệnh do vi khuẩn gây ra. Chiết xuất quả dứa là một trong những phụ gia phytogenic được đặc biệt chú ý bởi chúng sở hữu thành phần enzyme độc đáo bromelain (BM) có đặc tính kháng khuẩn. Các nhà nghiên cứu tại Malaysia đã tiến hành thử nghiệm đánh giá phụ gia bromelain trong thức ăn của tôm và phát hiện tác dụng cải thiện hiệu suất tăng trưởng cùng khả năng kháng bệnh AHPND. 

Nghiên cứu cho ăn kéo dài 28 ngày trên 4 nhóm tôm thẻ để đánh giá hiệu quả của phụ gia BM lên tăng trưởng, hệ vi sinh đường ruột và đề kháng của vật nuôi trước vi khuẩn gây bệnh AHPND. Kết quả cho thấy, nhóm tôm được bổ sung 1% hoặc 2% BM đạt tăng trưởng cao hơn so với nhóm đối chứng (0% BM). 

Trong thử thách AHPND đầu tiên, nhóm tôm được bổ sung 1% hoặc 2% BM lần lượt đạt tỷ lệ sống 84,8% và 78,3%; trong khi nhóm đối chứng chỉ đạt tỷ lệ sống 69,6%. 

Tiếp tục tách toàn bộ số tôm sống sót sau thử thách đầu tiên và chia thành 3 nhóm, sau đó cho ăn bằng khẩu phần đối chứng trong 14 ngày để xác định hiệu quả của BM có kéo dài hay không. Trong thử thách AHPND thứ hai, nhóm tôm từng được cho ăn 1% hoặc 2% BM đạt tỷ lệ sống lần lượt 71,1% và 73,3%; trong khi nhóm tôm đối chứng chỉ đạt 51,1%. 

Ngoài ra, nhóm tôm được cho ăn bổ sung có gan tụy ít bị tổn thương hơn so với nhóm đối chứng. Điều này cho thấy phụ gia BM đã điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột, từ đó tăng cường sức đề kháng của tôm trước vi khuẩn gây bệnh AHPNC. 

Vũ Đức

Theo Aquafeed

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!