“Ngày xưa, không có máy móc, thiết bị hiện đại như bây giờ nên mỗi lần ra khơi là ngư dân chúng tôi phải dựa vào kinh nghiệm nắm bắt quy luật luân chuyển của dòng hải lưu theo từng tháng trong năm mà đoán định luồng cá.
Ra khơi vài chuyến thì may mắn lắm mới có một chuyến biển trúng đậm mực, cá… để gỡ gạc lại khoản chi phí cho các chuyến biển trở về tay trắng. Giờ thì khác rồi, ngư dân chỉ cần ngồi trên tàu bật máy dò ngang Sonar rồi thao tác trên máy, quan sát màn hình hiển thị là có thể biết được luồng cá quanh tàu có trữ lượng nhiều hay ít để quyết định buông lưới. Ngư dân bám biển cũng vì thế mà cuộc sống đỡ bấp bênh hơn…”, ông Hồ Duy Đạo (thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) cho biết như vậy khi tôi ghé thăm gia đình ông.
Dò đứng rồi đến dò ngang
“Mà chú muốn biết tính năng, công dụng của máy dò ngang Sonar thì chú cứ sang nhà con trai tôi là Hồ Văn Thà. Con tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và trực tiếp thao tác trên máy mỗi khi ra biển nên nó rành. Còn tôi mấy năm trở lại đây vì sức khỏe yếu nên giao tàu đánh bắt xa bờ có số hiệu QT 90036TS với công suất 380 CV cho các con để nghỉ ở nhà chứ không đi biển nữa”, ông Hồ Duy Đạo giới thiệu.
Tôi sang nhà anh Hồ Văn Thà. Dù khá bận rộn chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến biển dài ngày, anh Thà vẫn vui vẻ tiếp chuyện: “Gia đình tôi mua chiếc tàu đánh bắt xa bờ này từ năm 2003. Lúc đầu mới mua tàu cũng thiếu thốn trăm bề mà nhất là thiếu ngư lưới cụ phục vụ cho việc đánh bắt thủy hải sản. Mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm của nhà nước mà trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh nên tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi được đầu tư lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa trị giá gần 30 triệu đồng, hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thuyền viên và thân tàu. Vừa rồi, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh chọn tàu của gia đình tôi làm mô hình để triển khai máy dò ngang Sonar với tổng kinh phí đầu tư 299 triệu đồng, trong đó phía Trung tâm hỗ trợ 142 triệu đồng và gia đình tôi tự bỏ ra số kinh phí còn lại. Từ ngày được trang bị máy dò ngang Sonar, tàu của gia đình tôi đánh bắt được nhiều mực, cá hơn so với trước đây khi còn sử dụng máy dò đứng. Chỉ cách đây vài ngày, khi ra đánh bắt cá ở ngư trường tỉnh Nghệ An cũng nhờ máy dò ngang Sonar nên tìm đúng luồng cá và chỉ sau 5 ngày đánh bắt bằng nghề vây rút chì, tàu của gia đình tôi thu về 100 triệu đồng. Còn cả năm 2012 vừa qua, gia đình tôi thu 2 tỷ đồng (chưa trừ chi phí) từ đánh bắt thủy sản”.
Anh Hồ Văn Thà thao tác máy dò ngang Sonar lắp đặt trên tàu QT 90036TS
Khi nói về công dụng, hiệu quả của máy dò ngang Sonar, anh Hồ Văn Thà cho biết rằng trước đây khi còn sử dụng máy dò đứng, mức độ phát hiện đàn cá hẹp nên chỉ phát hiện đàn cá dưới đáy tàu, vì vậy thời gian đánh bắt dài hơn. Khác với máy dò đứng, máy dò ngang Sonar cho phép quan sát đến 3600 trên các góc nghiêng, tầm dò đến 1.000 m với 8 chế độ vận hành. Qua kết hợp với các phương pháp dò đứng, dò ngang, quét dọc, giúp cho thuyền trưởng có thể vừa quan sát từng vị trí của đàn cá, mặt cắt không gian nước quanh tàu, ước lượng mức độ tập trung của đàn cá…
Ngoài ra, máy còn có chức năng bám đàn, giúp thuyền trưởng theo dõi hướng đi và tốc độ di chuyển của đàn cá, qua đó chọn thời điểm thả lưới, tăng xác suất bắt gặp đàn cá cao hơn nhiều so với máy dò đứng.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay của ngư dân mà chính bản thân anh Thà cũng từng gặp phải khi trang bị máy dò ngang đó là công nghệ còn quá mới nên đòi hỏi phải có thời gian dài mới tiếp cận được với các thông số kỹ thuật của máy. Và muốn sử dụng hiệu quả máy dò ngang, ngư dân phải biết “đọc” được các “biểu tượng” về đàn cá hiện lên trên màn hình. Rồi phải biết xác định đó là cá gì, trọng lượng cỡ bao nhiêu, di chuyển theo hướng nào…
Sản lượng sẽ tăng gấp nhiều lần
Trao đổi với tôi, ông Nguyễn Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết: “Hiệu quả của việc ứng dụng máy dò ngang vào đánh bắt thủy sản xa bờ trong thực tế là không thể phủ nhận. Hiện thị trấn Cửa Việt có 3 hộ ngư dân được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 50 % vốn trang bị máy dò ngang Sonar gồm hộ ông Hồ Duy Đạo, Võ Văn Thới, Nguyễn Văn Bình. Và còn rất nhiều hộ ngư dân ở thị trấn Cửa Việt đang mong muốn được trang bị máy dò ngang để đánh bắt thủy sản nhưng do thiếu vốn nên không thể tự trang bị được. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trấn Cửa Việt có 142 tàu, thuyền các loại, trong đó có 85 chiếc có công suất 135 CV trở lên; 50 chiếc có công suất 90 CV; 14 chiếc chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá… Trong số 142 tàu, thuyền các loại thì chỉ mới có 32 tàu, thuyền trang bị máy dò đứng và 3 tàu trang bị máy dò ngang Sonar. Sản lượng đánh bắt thuỷ hải sản trong năm 2012 đạt 4.650 tấn, phấn đấu trong năm 2013 đạt sản lượng 5.000 tấn thủy hải sản các loại. Để nâng cao sản lượng khai thác thủy hải sản trong những năm tới, thị trấn Cửa Việt khuyến khích ngư dân đầu tư vốn mua sắm các loại ngư lưới cụ hiện đại, máy dò ngang Sonar…phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản. Tin rằng, một khi ngư dân áp dụng công nghệ hiện đại vào đánh bắt thủy sản thì sản lượng khai thác của thị trấn sẽ tăng gấp nhiều lần trong những năm tới. Và hiệu quả đánh bắt thủy sản của các hộ ngư dân ở thị trấn Cửa Việt khi trang bị máy dò ngang Sonar là ví dụ điển hình”.
“Sau những chuyến biển trúng đậm mực, cá… mấy anh em chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau là từ ngày tàu được trang bị máy dò ngang Sonar cứ như có thêm “con mắt” dưới đáy tàu có thể nhìn thấu lòng đại dương. Những đàn cá có trữ lượng lớn trước đây chúng tôi phải vất vả lắm mới xác định đúng hướng đi thì nay hiện lên sinh động trên màn hình như chờ chúng tôi buông lưới”, anh Hồ Văn Thà ví von về công dụng của máy dò ngang Sonar với tôi như vậy. Để máy dò ngang Sonar- “mắt dò đại dương” của ngư dân phát huy hết tính năng, hiệu quả đòi hỏi ngư dân phải đầu tư, học hỏi, tiếp cận với công nghệ hiện đại để có thể đánh bắt được thêm nhiều mẻ cá lớn từ lòng đại dương bao la.