Được mùa thì mất giá, đó là biểu hiện của quy luật cung – cầu. Khi cung đột ngột tăng cao mà cầu không tăng tương ứng thì tất nhiên giá sẽ giảm. Nhưng việc vụ mùa cá ngừ năm nay của ngư dân các tỉnh miền Trung bị rớt giá thảm hại lại dường như nằm ngoài cái quy luật đó.
Các thông tin cho hay, năm ngoái, thời điểm giá thấp nhất cũng là 120.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 40.000 – 55.000 đồng. Ngay cả những tàu cá có sản lượng khoảng 3 tấn sau mỗi chuyến biển cũng khó tránh khỏi thua lỗ. Vì sao vậy?
Các chuyên gia xuất nhập khẩu cá ngừ phân tích, thời gian qua, do nền kinh tế thế giới sụt giảm nên nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đại dương cũng giảm theo. Giá cá ngừ để làm sashimi giảm từ 15 – 16 USD/kg xuống còn 10 – 11 USD/kg, trong khi giá cá ngừ dùng để chế biến đồ hộp tăng, đạt 3 – 3,5 USD/kg. Nếu theo mức giá này để suy đoán thì cá ngừ mùa này ở nước ta chỉ được mua về để… đóng hộp.
Lần theo rất nhiều nguyên nhân để phân tích và thấy rằng, trước đây, việc đánh bắt cá ngừ đại dương được thực hiện bằng cách câu ở độ sâu 70 – 100m. Với cách câu này, năng suất không cao nhưng cá chất lượng tốt, đảm bảo đủ điều kiện để xuất khẩu. Hiện tại, hầu hết ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ đã chuyển sang đánh bắt bằng đèn cao áp chiếu sáng, tức là chiếu đèn xuống nước ở độ sâu 30 – 50m, để cá ngừ đại dương tập trung đến, rồi dùng câu tay để bắt. Kiểu đánh bắt này khiến sản lượng tăng cao, cá ngừ lúc mới bắt lên trông tươi ngon, song chỉ sau đó vài ba giờ, chất lượng xuống cấp nhanh.
Một bài học cần nhớ là muốn có hiệu quả cao hơn, song song với việc nâng cao sản lượng phải gắn liền với ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm.