T2, 06/07/2020 10:15

Máy dò cá, lợi ích lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong điều kiện nguồn lợi thuỷ sản ngày càng giảm sút và chi phí tăng cao cho mỗi chuyến biển thì việc hiện đại hoá tàu khai thác hải sản là hết sức cần thiết. Dự án “Ứng dụng thiết bị máy dò cá trên tàu khai thác hải sản xa bờ” do Trung tâm KNQG trang bị cho các tàu cá ở khu vực Nam Trung bộ đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Tháng 9/2011, từ nguồn kinh phí của Trung tâm KNQG, Trung tâm KN-KN Phú Yên đã triển khai lắp máy dò cá ngang sonar JMC – CSL 1000 trên tàu lưới vây rút chì PY 95001TS của ngư dân Biện Quang, thôn Phú Lạc, xã Hoà Hiệp Nam, huyện Đông Hoà. Đây là mô hình máy dò ngang đầu tiên được triển khai ở Phú Yên cho nghề lưới vây rút chì.

 

Nhờ lắp máy dò ngang, sau mỗi chuyến biển lượng cá đều tăng từ 1,5 – 2 lần

Ngay trong chuyến đầu tiên, mặc dù biển động tàu chỉ khai thác được 9 mẻ lưới, ít hơn những chuyến biển bình thường 5 mẻ, nhưng nhờ được trang bị máy dò cá mà năng suất, sản lượng cá mỗi mẻ lưới cao hơn 1,6 lần so với trước lắp máy. Chuyến đi biển cũng rút ngắn lên chi phí giảm đáng kể. 

Tuy chuyến này chỉ kéo dài 13 ngày nhưng sản lượng khai thác của ông Biện Quang vẫn đạt 10 tấn cá các loại, thu 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 62 triệu, cao gấp 1,8 lần so với trước đây. Đến chuyến biển tiếp sau tàu hoạt động 14 ngày nhưng vẫn thu được trên 20 tấn cá, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu.

Ông Nguyễn Khắc Tân, PGĐ Trung tâm KN-KN Phú Yên cho biết: Từ thành công này, tháng 6/2012 trung tâm tiếp tục triển khai mô hình lắp máy dò cá ngang cho tàu PY 97727TS của ông Nguyễn Trí Thành, xã An Mỹ, huyện Tuy An. Qua theo dõi 2 chuyến đi biển của ông Thành cho thấy hiệu quả rất cao. Cụ thể chuyến đầu tiên 21 ngày, sản lượng cá thu được 45 tấn, tổng doanh thu 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 330 triệu, cao gấp 2,5 lần so với trước khi lắp máy. Chuyến thứ hai, mặc dù gặp khó về thời tiết nhưng tàu của ông Thành vẫn thu được 40 tấn cá, lãi 280 triệu.

Theo ông Tân, đến nay đã có trên 10 chủ tàu làm nghề lưới vây rút chì tại xã Hoà Hiệp Nam đã tự bỏ tiền mua sắm và lắp đặt máy dò ngang, tất cả hoạt động đều rất hiệu quả. Lợi ích từ trang bị máy dò cá ngang là ngư dân có thể phát hiện đàn cá từ xa, chủ động khai thác cả ban ngày lẫn ban đêm. Thông qua màn hình, chủ thuyền trưởng có thể ước lượng được mật độ, độ dày, trữ lượng, hướng di chuyển đàn cá từ đó quyết định có quyết định khai thác hay không… 

Từ năm 2007 đến nay, Trung tâm KN-KN tỉnh Ninh Thuận đã triển khai 7 mô hình lắp đặt máy dò cá ngang cho ngư dân rất hiệu quả, sản lượng mỗi chuyến biển đã tăng từ 150 – 200% . Điển hình như ngư dân Phan Văn Phụng ở xã Phước Diêm, huyện Hàm Thuận Bắc chỉ trong 6 tháng đi biển mà doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 800 triệu. Hộ ông Nguyễn Toàn ở xã Thanh Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,2 tỷ…

Ngư dân Nguyễn Văn Tính, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà năm 2011 sau khi dự lớp tập huấn “Ứng dụng máy dò ngang trên tàu đánh bắt hải sản xa bờ” đã mua một máy dò ngang. Anh cho hay: So với các loại máy dò thông thường (máy dò đứng) máy dò ngang có tầm hoạt động rộng lớn với 8 chế độ quét khác nhau, các thông tin về đàn cá và đáy biển có độ tin cậy cao. Nhờ có con “mắt thần” này mà hiệu quả của mỗi chuyến đi biển tăng 150% so với trước. Chưa đầy 1 năm khai thác đã thu hồi được tiền mua máy.

>> Hiện 8 tỉnh miền Trung (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) có 48.482 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó đội tàu khai thác xa bờ có công suất từ 90CV trở lên là 4.973 tàu. Từ mô hình trang bị máy dò ngang của Trung tâm KNQG mang lại hiệu quả thiết thực, chỉ trong 2 năm (2011 – 2012) đã có 473 chủ tàu tự trang bị máy dò ngang cho tàu của mình.

Ngọc Khanh

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!