Chiếc máy thu lưới bằng thủy lực do anh Lê Phước Hoàng (ấp Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) sáng chế giúp tăng tốc độ thu lưới gấp 4 – 5 lần so với kéo lưới bằng sức người. Nhờ vậy, các chủ tàu cá tăng kích thước vàng lưới dài gấp đôi và năng suất khai thác cũng tăng lên.
Được gia đình cho theo học nghề thợ máy nhưng anh Lê Phước Hoàng lại chọn nghề đi biển để khởi nghiệp. Anh Hoàng cho biết, bao nhiêu năm “lăn lộn” với nghề biển, những bạn ghe như anh rất khổ cực với việc phải dùng sức người để kéo lưới. Đối với nghề lưới rê (lưới cá, lưới đầm) mỗi lần thu lưới “bạn” nào giỏi lắm cũng chỉ trụ được 20 phút là phải thay ca. “Mỗi khi nhìn đôi bàn tay chai sần của mình không còn cảm giác tui ước ao về một chiếc máy để thay sức người cho đỡ cực” – anh Hoàng nói.
Ông Ngô Văn Toàn bên tời thu lưới bằng hệ thống thủy lực.
Niềm ao ước về một chiếc máy thu lưới đã giúp anh Hoàng cho ra đời chiếc máy thu lưới bằng hệ thống thủy lực. “Nếu sử dụng hệ thống cơ truyền động đến tời thu thông qua dây cu roa để thu lưới như một số ghe khác thì rất dễ xảy ra tai nạn hoặc những chiếc ghe nhỏ rất khó bố trí vị trí lắp đặt” – anh Hoàng cho biết thêm. Với chiếc máy thu tời bằng thủy lực, thuyền trưởng chỉ cần ngồi trong cabin cũng có thể điều khiển bánh quay (mâm thu lưới) đặt tại mũi tàu theo ý muốn và tăng tốc độ hợp lý theo yêu cầu công việc.
Nguyên lý hoạt động của máy khá đơn giản. Lực từ động cơ chính truyền động qua thùng ben chứa dầu, bơm dầu qua đường dẫn dầu cao áp đến mô tơ thủy lực làm quay mâm thu lưới. Tuy nhiên, trước khi đến với mô tơ thủy lực, dòng dầu cao áp “phải” đi qua van áp lực và van điều khiển. Hệ thống van này giúp điều chỉnh dòng dầu cao áp để điều khiển mâm quay quay tới, quay lui, nhanh, chậm hoặc đứng yên theo ý muốn của người thu lưới. Nhờ khả năng truyền lực qua đường ống, có thể đưa bộ phận thu lưới đến mọi điểm trên con tàu mà không ảnh hưởng đến tính năng, sự an toàn của hệ thống. Một ưu điểm điểm nữa của chiếc máy này là việc thiết kế mâm quay thu lưới theo cơ cấu động, do đó, hệ thống thu lưới luôn giữ được sự cân bằng trong điều kiện sóng gió tàu rung lắc theo nhiều hướng.
Ông Nguyễn Văn Mười, chủ tàu cá Bth-96575 TS của tỉnh Bình Thuận, làm nghề lưới rê cho biết, trước kia tàu của ông công suất chỉ vài chục CV, vàng lưới chưa đến 3 hải lý, thời gian thu lưới cho mỗi mẻ phải mất đến gần 4 giờ. Kể từ khi trang bị máy thu lưới bằng hệ thống thủy lực, ông chỉ mất khoảng hơn 30 phút là thu xong lưới. Ông Mười cũng đã mạnh dạn đầu tư vàng lưới dài gấp đôi, tần suất thả lưới cũng nhiều hơn, nên năng suất khai thác cũng tăng gấp nhiều lần so với trước. Qua hơn 5 năm sử dụng, ông Mười đã có “của ăn của để”, nhờ vậy, vừa rồi ông đã cải tiến nâng cấp tàu khai thác của ông có công suất lên đến 168CV.
Tương tự, từ khi trang bị chiếc máy thu lưới bằng hệ thống thủy lực, ông Ngô Văn Toàn, chủ tàu cá BV-72112 TS (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đã tăng vàng lưới của mình từ 2 hải lý lên đến gần 7 hải lý. Bình quân mỗi chuyến biển doanh thu từ 6-7 triệu đồng, trong khi đó trước kia mỗi chuyến biển (đi trong ngày) thu nhập chỉ khoảng 2 triệu đồng.