Mẹo giảm chi phí vụ nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Giảm chi phí nuôi tôm là yêu cầu quan trọng để gia tăng lợi nhuận. Vì vậy, người nuôi cần áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ, sử dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện năng suất, tăng hiệu quả.

Lựa chọn quy trình nuôi phù hợp

Quy trình nuôi ở đây bao gồm cả thiết kế và vận hành hệ thống nuôi. Do đó, cần ưu tiên sử dụng một hệ thống nuôi đơn giản, đòi hỏi ít tài nguyên (điện, xử lý thay nước,…), đồng thời, dễ vận hành, tối giản trong xử lý môi trường cũng là yếu tố quan trọng để kiểm soát stress, kiểm soát các rủi ro, dịch bệnh tốt nhất có thể.

Con giống

Đối với nuôi thương phẩm, chi phí giống chỉ chiếm 8 – 10% tổng giá thành sản xuất. Tuy nhiên, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả của mô hình. Chất lượng tôm giống bao gồm 2 vấn đề cần quan tâm đó là nhiễm mầm bệnh và tăng trưởng nhanh do yếu tố di truyền. Vì vậy, người nuôi phải chọn được con giống tốt nhằm hạn chế rủi ro ngay từ khâu này. Lựa chọn tôm giống sạch bệnh (SPF), kháng bệnh (SPR), kích cỡ PL10 – 12.

Tôm được mua tại những cơ sở sản xuất uy tín, tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tôm giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống.

Trước khi thả giống 3 ngày, thông báo với cơ sở sản xuất các chỉ số môi trường nước ao ương (pH, độ mặn) để cơ sở sản xuất giống thuần hóa giống phù hợp với các điều kiện ao ương.

Các bao tôm giống về ao ương còn nguyên vẹn, đủ lượng ôxy; tôm khỏe mạnh; bơi phân tán đều trong bao. Kiểm tra lại pH và độ mặn của 3 túi tôm giống bất kỳ lấy chỉ số trung bình so với pH và độ mặn của ao ương để có biện pháp xử lý (thuần) trước khi thả tôm giống để hạn chế hao hụt.

Giảm mật độ

Nếu thả nuôi tôm với mật độ thấp, người nuôi sẽ dễ quản lý, kiểm soát tốt môi trường ao nuôi, thức ăn. Giảm được chi phí về năng lượng (quạt, ôxy,…). Cùng đó, khi nuôi tôm mật độ thấp, tôm nuôi dễ về kích thước lớn, rút ngắn thời gian nuôi, giảm rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nuôi.

Kiểm soát thức ăn

Thức ăn chiếm đến 50 – 60% chi phí sản xuất và là yếu tố quan trọng, trong khi đó, lượng thức ăn thất thoát ở dưới bùn đáy ao và trong nước khoảng 20%. Lượng thức ăn dư thừa này sau khi phân hủy sẽ tạo điều kiện cho tảo trong ao nuôi phát triển mạnh và khiến đáy ao bị bẩn. Tảo và các vi sinh vật trong ao sẽ sản sinh ra nhiều khí độc và gây tiêu hao ôxy.

Do đó, người nuôi nên chọn loại thức ăn đúng tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng tốt; đồng thời, chọn cỡ thức ăn phải phù hợp với cỡ tôm. Cân đối lượng thức ăn phù hợp với sản lượng tôm có trong ao nuôi để tận dụng hết nguồn thức ăn và ít tốn chi phí xử lý nước.

Cho tôm ăn hơi thiếu hoặc vừa đủ góp phần tiết kiệm chi phí thức ăn, vẫn đảm bảo tôm nuôi phát triển. Vì vậy, người nuôi có thể cân nhắc giảm lượng thức ăn xuống khoảng 70%. Khi thời tiết nắng gắt khó chịu hay thời điểm tôm lột xác hoặc có sự thay đổi đột ngột môi trường ao nuôi, cũng nên giảm lượng thức ăn vì lúc đó tôm sẽ ăn ít hơn. Tôm thường sẽ ăn nhiều vào lúc mặt trời mọc và lúc mặt trời lặn, do đó, nên giảm lượng thức ăn vào ban đêm, và tăng lượng cho ăn vào ban ngày.

Qua nghiên cứu cho thấy, để thức ăn được sử dụng hiệu quả, nên cho ăn nhiều lần trong ngày (6 – 7 lần/ngày) hoặc các hộ có đủ điều kiện nên lắp đặt hệ thống máy cho ăn.

Ngoài ra, việc gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu để tôm sử dụng giúp tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống của tôm tăng cao, thúc đẩy tôm lớn nhanh, giảm lượng thức ăn công nghiệp, giảm FCR.

Quản lý chất lượng nước

“Nuôi tôm là nuôi nước”, do đó, tôm phát triển khỏe mạnh thì nước phải sạch. Chất lượng nước là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống của tôm.

Nguồn nước ao nuôi ô nhiễm, nền đáy ao dơ bẩn do tích tụ thức ăn thừa, chất thải, xác tảo,… làm phát sinh khí độc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây bệnh. Từ đó người nuôi sẽ phải tốn nhiều chi phí cho việc xử lý nước, điều trị bệnh, có khi thiệt hại nặng nề.

Vì vậy, cần thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước: pH, ôxy, NH3, NO2, H2S, Fe, Ca, Mg,… để kịp thời điều chỉnh xử lý.

Sử dụng chế phẩm sinh học khử trùng nước, tạo môi trường trong sạch cho ao nuôi. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại chế phẩm sinh học với chất lượng khác nhau. Người nuôi cần lựa chọn các sản phẩm có uy tín và kiểm chứng từ các nhà cung cấp đáng tin cậy. Sản phẩm nên có nhãn hiệu rõ ràng và đầy đủ thông tin về thành phần, cách sử dụng, và liều lượng khuyến nghị.

Thiết bị, hóa chất

Chọn các thiết bị phục vụ cho nuôi tôm ít tiêu tốn điện, hiện đại, và công suất phù hợp với loại hình nuôi để tránh lãng phí điện năng. Đồng thời tận dụng nguồn năng lượng sinh học (như biogas), năng lượng gió, năng lượng mặt trời,…

Định kỳ kiểm tra, bảo trì các vật tư trang thiết bị: Motor, máy sục khí, máy phát điện,… để nâng cao tuổi thọ, giảm chi phí phát sinh khi hư hỏng nặng.

Thiết kế vị trí đặt motor, dàn quạt, máy sục khí vận hành phù hợp để giảm chi phí.

Nên đầu tư thiết bị máy móc và công nghệ hơn là xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tư máy móc cải thiện chất lượng nước, xử lý chất thải, cho ăn, giám sát hoạt động nuôi,… tạo cho sự bền vững và ít phụ thuộc đến nhân công lao động phổ thông mang lại thành công cao hơn.

Chi phí hóa chất, thuốc, chất bổ sung chiếm từ 5 -15% giá thành tôm sản xuất tùy thuộc vào mô hình nuôi. Do vậy, khuyến cáo người nuôi nên liên hệ mua trực tiếp từ công ty để có thể có chi phí hợp lý. Cùng đó, nên sử dụng chế phẩm sinh học và các hình thức xử lý khác như lọc sinh học và lọc cơ học,…

Kích cỡ và tầng suất thu hoạch

Nên thu hoạch tôm ở kích cỡ lớn (30 – 40 con/kg đối với TTCT) cùng với phương thức thu hoạch 3 lần (thu tỉa), cụ thể thu tỉa lần 1 ở kích cỡ tôm 80 con/kg 30% tổng sản lượng, tiếp tục thu tỉa lần 2 khi tôm đạt 40 – 45 con/kg 30% tổng sản lượng tôm và thu hoạch lần 3 (cuối cùng). Ưu điểm của phương thức thu hoạch này là tái tạo vòng quay vốn nhanh, hệ thống chuyển đổi thức ăn thấp, tôm tăng trưởng nhanh, ít chịu sức ép về môi trường và chi phí nhân công, chi phí thuốc hóa chất, năng lượng, chi phí thức ăn giảm đáng kể, giá bán cao và ít rủi ro.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!