Miền núi phía Bắc: Chậm phát triển nuôi thủy sản nước ngọt

Chưa có đánh giá về bài viết

Khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) có tiềm năng phát triển thủy sản lớn, với nhiều ao, hồ chứa, suối, sông. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại các địa phương này vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng.

Tiềm năng lớn

Diện tích đất ngập nước ở vùng này là hơn 140.000 ha, trong đó, có thể sử dụng trên 110.000 ha NTTS. Năm 2011, tổng diện tích đã được sử dụng NTTS khoảng 42.000 ha, chiếm gần 50% diện tích tiềm năng. Các tỉnh có diện tích NTTS lớn như Phú Thọ có 10.000 ha, Bắc Giang có 9.300 ha, Thái Nguyên 4.500 ha, Yên Bái 2.700 ha, Sơn La 2.500 ha, Điện Biên 1.900 ha…

Một trong những lợi thế phát triển NTTS ở các tỉnh MNPB là diện tích mặt nước hồ lớn như hồ Thác Bà (Yên Bái), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) với diện tích mặt nước khoảng 19.000 ha, hồ Sông Đà với 8.000 ha thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình và 7.900 ha thuộc địa phận tỉnh Sơn La, hồ thủy điện Sơn La với diện tích 13.000 ha, hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) với diện tích 2.700 ha… Tại các hồ chứa cùng với việc thả cá giống vào các hồ lớn, quản lý nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, còn sử dụng đặt bè, lồng nuôi thủy sản.

Các đối tượng NTTS ở MNPB chủ yếu là cá truyền thống được nuôi ghép như cá trôi, trắm, chép, rô phi… – Ảnh: Hải Linh

Sản lượng NTTS ở các tỉnh MNPB đạt trên 73.000 tấn/năm, nhiều tỉnh đạt sản lượng trên 5.000 tấn/năm như Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái… 5 năm vừa qua, nhiều tỉnh đã có sản lượng NTTS tăng trên 150% như Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang… Tại huyện Sa Pa – Lào Cai, chỉ tính riêng cá nước lạnh, năm 2007, sản lượng trên địa bàn huyện đạt 40 tấn, năm 2011 con số này là 130 tấn, dự kiến năm 2012 đạt 135 tấn.

 

Khó khăn còn nhiều

Các tỉnh MNPB chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Quy mô nuôi thủy sản còn nhỏ lẻ, phân tán, hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cho NTTS còn thiếu, một số đã xuống cấp… Nguồn nước cấp cho hoạt động thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung từ tự nhiên hoặc các hồ chứa thủy lợi, do đó một số nơi chỉ nuôi được 1 vụ/năm.

Một khó khăn lớn nữa của các tỉnh MNPB là chưa cung cấp đủ giống thủy sản về mặt số lượng và chưa kiểm soát tốt chất lượng. Đa số các tỉnh trong khu vực đã có trung tâm sản xuất giống thủy sản nhưng với sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, quy mô sản xuất nhỏ, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đặc biệt, thời điểm nuôi vỗ cá bố mẹ cho sinh sản giống rất khó khăn khi cho cá sinh sản nhân tạo khiến sản lượng giống không cao. Hiện, khu vực MNPB có 47 trại giống, chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu. Hơn nữa, công tác chuẩn bị, chăm sóc, nuôi vỗ cá bố mẹ kém, đàn cá bố mẹ ít được thay thế/nâng cấp, thậm chí lai cận huyết nên chất lượng chưa cao, sức đề kháng kém…

Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường nuôi theo phương thức cộng đồng chưa tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được coi trọng. Nguồn nhân lực cho NTTS thiếu và yếu. Trình độ kỹ thuật và tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc và nông dân còn lạc hậu, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế…

Mặt khác, đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống giá trị kinh tế thấp, sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng bản địa, chưa phát triển mạnh các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao…

>>Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam: Để NTTS ở khu vực MNPB phát triển, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là phải có một thị trường tiêu thụ ổn định. Để làm được điều này, người lao động cần thông minh trong việc điều tiết kế hoạch sản xuất, nắm bắt thông tin và nhu cầu thị trường. Cần áp dụng KHKT vào nuôi trồng làm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhà nước cần có chính sách quy hoạch, hỗ trợ về tài chính, đầu tư về giống thủy sản, hệ thống thủy lợi, thuốc thú y…

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!